Theo dõi trên

Tài nguyên & Môi trường: Trung tâm của các quyết định phát triển

18/03/2022, 06:18

Công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được Bình Thuận xác định ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Do vậy cần phải khẩn trương tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng, đang trở thành nguy cơ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, đời sống nhân dân.

dsc_2855.jpg
Thu gom xử lý rác thải trên bãi biển. Ảnh: Đ.Hòa

Thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tại Bình Thuận tuy đã đạt được một số thành tựu quan trọng như: Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường. Các điều kiện cơ bản, thiết yếu làm tiền đề, tạo thế và lực cho công tác bảo vệ môi trường thời gian tới đã được đáp ứng. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong xã hội được nâng cao. Nhiều vấn đề môi trường bức xúc, kéo dài được giải quyết. Các giải pháp bảo vệ môi trường trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được quan tâm đầu tư thực hiện. Huy động được nhiều nguồn lực để từng bước chủ động bảo vệ, cải thiện môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu… Song bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề suy thoái môi trường gay gắt. Sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra triều cường, lũ, lụt, mưa, bão với cường độ ngày càng lớn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang lan rộng, việc quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên có nơi còn thiếu kiểm soát…

dsc_9831.jpg
Biển xâm thực khu vực Hàm Tiến - Mũi Né. Ảnh Đ.Hòa

Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Theo đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và các sở, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh và các tầng lớp nhân dân trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường đang trở thành nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó đề ra một số nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện, đó là: Cấp ủy, chính quyền các cấp phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trước hết là hoàn thiện các tuyến đường giao thông; bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, các công trình, dự án năng lượng điện trên địa bàn tỉnh. Triển khai các giải pháp chống ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở những nơi xung yếu, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, phòng, chống ô nhiễm nguồn nước, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác tài nguyên nước làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản để xác định các khu vực dự trữ và có kế hoạch sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững. Chấn chỉnh hoạt động khai thác trái phép các loại khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bố trí quỹ đất cho các công trình xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường. Triển khai các biện pháp bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ, hải đảo bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Xem xét, cân nhắc, đánh giá các tiêu chí, sự tác động môi trường đối với các dự án khi cấp phép đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện và đưa vào hoạt động các hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn tại các địa phương trong tỉnh; kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện tốt việc thu gom, xử lý các vỏ bao, chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, không để thải ra môi trường gây ô nhiễm đất đai và nguồn nước. Thực hiện tốt công tác phòng, chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa. Chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn, các làng nghề, khu vực chăn nuôi tập trung. Khuyến khích, động viên nhân dân nâng cao ý thức và tự giác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường, chuồng trại chăn nuôi, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng, đang trở thành nguy cơ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, đời sống nhân dân. Đặt yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

BẢO TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hưởng ứng “Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”
UBND tỉnh vừa có Công văn số 720 về triển khai kế hoạch tổ chức “Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tài nguyên & Môi trường: Trung tâm của các quyết định phát triển