Huyện miền núi Tánh Linh có 13 đơn vị hành chính gồm 12 xã và 1 thị trấn. Đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 3.570 hộ với trên 14.200 nhân khẩu, chiếm khoảng 14% dân số của huyện.
Nếu như trước đây đồng bào dân tộc có cuộc sống du canh, du cư, bấp bênh không ổn định, thì từ khi có các chủ trương chính sách, các chương trình đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là việc cấp đất sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có thêm tư liệu sản xuất, giải quyết việc làm, từng bước ổn định cuộc sống.
Ông Lương Cao Trí, bản 1, xã La Ngâu chia sẻ: Theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, gia đình ông cũng như bà con đồng bào dân tộc trong xã được cấp đất sản xuất theo đúng quy định. Có đất, gia đình đã đưa cây bắp lai vào trồng. Sau nhiều năm tích lũy từ việc sản xuất, gia đình mua bò về nuôi, rồi chuyển sang trồng loại cây trồng khác trên diện tích được cấp. Nhờ có đất và chí thú lao động đến nay gia đình đã có cuộc sống ổn định.
Bà Trần Thị Thu Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã La Ngâu phấn khởi cho biết: Những năm qua đời sống tinh thần của nhân dân trong xã không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cùng với sự quan tâm chỉ đạo của huyện Tánh Linh, sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương đã thực hiện tốt chương trình phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế theo phương châm tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tại địa phương. Các năm qua đã huy động từ nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển các công trình trọng điểm cho xã La Ngâu như đầu tư nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thông; xây dựng hệ thống trường lớp, trạm y tế, nhà văn hóa, điện sinh hoạt, hệ thống thủy lợi, hệ thống nước sạch, hỗ trợ xây dựng nhà ở, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn; chính sách trợ cước, trợ giá các mặt hàng thiết yếu, vay vốn phát triển sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng… cũng được đầu tư đồng bộ. Hiện nay các công trình trọng yếu đã phát huy tốt hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trong toàn xã.
Bên cạnh đó, huyện tập trung ưu tiên bố trí các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, đầu tư xây dựng các công trình đã có tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của bà con, nhất là bà con nghèo. Tổ chức dạy nghề cho bà con như nghề trồng, chăm sóc và khai thác mủ cây cao su, trồng nấm, may công nghiệp, bảo vệ thực vật… Ngoài ra, thông qua chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp trong sản xuất như giống, cây trồng, vật nuôi, phân bón; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; kiến thức sản xuất của người dân được nâng lên rõ rệt, giúp cho người dân dần thay đổi tập quán canh tác và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Từ đó, năng suất bình quân hàng năm tăng, cây lúa nước đạt 60 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha, cây bắp đạt 75 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha; bình quân mỗi hộ có 1,2 ha đất sản xuất, ổn định diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên 14.300 ha/371 hộ. Từ cấp đất sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ vay vốn mua bò, đầu tư ứng trước, hướng dẫn kỹ thuật canh tác là “đòn bẩy” để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện. Kinh tế phát triển, bà con quan tâm hơn đến việc chăm lo giáo dục cho con em; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Việc triển khai các chương trình chính sách, dự án như thổi một luồng gió mới đến với vùng đồng bào dân tộc, giúp bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Tánh Linh tiếp tục có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao.