Theo dõi trên

Tháng 4 trên công trình trọng điểm cầu Văn Thánh

11/04/2024, 14:26

Năm 2024, Bình Thuận có 2 công trình giao thông trọng điểm, trong đó có cầu Văn Thánh đang được hàng ngàn người dân mong chờ. Bởi cầu Văn Thánh không chỉ giúp người dân thuận tiện đi lại giữa các phường từ Đức Long, Đức Thắng, Tiến Lợi đến Phú Tài, Phong Nẫm mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉnh trang, nâng tầm đô thị du lịch Phan Thiết…

Lúng túng bồi thường vì đất bãi bồi

img20240308073858-1-.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải kiểm tra tiến độ cầu Văn Thánh.

Khó khăn lớn nhất của dự án gặp phải hiện nay là gì? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải hỏi.

Thưa Phó Chủ tịch, đó là công tác giải phóng mặt bằng? Ông Nguyễn Hữu Trung – Giám đốc Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng công trình giao thông Bình Thuận trả lời.

Quay qua phía UBND thành phố Phan Thiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh hỏi: Nguyên nhân Phan Thiết giải phóng mặt bằng chậm?

Ông Nguyễn Văn Chơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết: "Do đất ở khu vực này chủ yếu sang nhượng bằng giấy tay, quy chủ khó khăn. Ngoài ra, người dân sử dụng đất bãi bồi ven sông nên Phan Thiết còn lúng túng trong việc áp giá đền bù…".

Đó là cuộc đối thoại ngắn ngay trên hiện trường trong chuyến đi kiểm tra thực tế công trình giao thông trọng điểm của lãnh đạo UBND tỉnh.

cau-van-thanh-20230105(1).jpg

Ông Huỳnh Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Phan Thiết, cho biết: Tổng diện tích đất thu hồi phục vụ cho dự án cầu Văn Thánh là 16.605,9 m2, gồm 39 trường hợp, trong đó phường Đức Long 18 trường hợp với diện tích đất thu hồi là 8.125,5 m2, gồm 15 hộ gia đình và 3 tổ chức. Phường Phú Tài 21 trường hợp với diện tích đất thu hồi là 8.480,4 m2, gồm 19 hộ gia đình và 2 tổ chức. Hiện nay đã chuyển địa phương xét pháp lý 39/39 hồ sơ. Phường Đức Long đã xét pháp lý 18/18 hồ sơ, phường Phú Tài 13/21 hồ sơ. Còn 8 hồ sơ UBND thành phố chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND phường Phú Tài kiểm tra, chồng ghép bản đồ địa chính và Giấy chứng nhận QSDĐ của các hộ gia đình, cá nhân để làm cơ sở đơn vị đo đạc điều chỉnh hồ sơ thửa đất.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết nói đang lúng túng trong việc xác định giá đất bãi bồi, cụ thể là gì, thưa ông?

“Công tác xác định pháp lý nguồn gốc đất đai và tài sản gắn liền với đất của UBND phường còn khó khăn. Lý do là đa số các hộ gia đình, cá nhân mua bán bằng giấy viết tay chưa được cơ quan có thẩm quyền chứng thực; hiện trạng thay đổi so với các bản đồ địa chính qua các thời kỳ... Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư thành phố còn lúng túng trong xác định việc bồi thường hỗ trợ đối với hồ sơ của một số hộ dân có nguồn gốc, quá trình sử dụng là đất bãi bồi ven sông Cà Ty hình thành từ trước năm 1998. Sau đó, trong khoảng thời gian sau năm 1998 đến trước ngày 1/7/2004, hộ dân đã khai phá và xây dựng nhà ở ổn định đến nay. Đồng thời, tại thời điểm hộ dân sử dụng đất, xây dựng nhà ở đến nay, không có cơ quan nào xử lý, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, không có tranh chấp, khiếu nại. UBND thành phố đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đang chờ ý kiến hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp nêu trên… Đã vận động bàn giao mặt bằng khoảng 4.257,7 m2 (gồm đất của hộ dân: 1.495,6 m2 và đất của tổ chức: 2.762,1 m2)” - ông Minh giải thích.

Có mặt bằng, tháng 12 sẽ xong

f709e68e548d5981cd0a2d13c1761a6a.jpg
Xà lan đang thi công cầu Văn Thánh

Có mặt bằng, tháng 12 sẽ xong

Tháng 4, Phan Thiết mùa này cao điểm “nắng như đổ lửa” nhưng hàng chục công nhân vẫn miệt mài làm việc theo sự phân công của chỉ huy công trình. Mới 10 giờ nhưng nhiệt độ ngoài trời đã ở mức cao, trên công trình nhiệt độ còn nóng hơn khi các xe vận hành thi công khiến ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Hàng loạt xe máy múc đất, cần cẩu, khoan cọc đang nổ máy ầm ầm thi công.

Anh Trần Quyết Chiến, công nhân đóng cọc nhồi tâm sự: “Ở Phan Thiết quá nóng nên công nhân mấy đứa em làm rất cực. Nhưng bên đơn vị thi công chỉ đạo là phải làm để kịp tiến độ, đảm bảo uy tín cho nhà thầu với tỉnh và người dân nên mấy anh em động viên nhau cố gắng…”. Anh Nguyễn Trường Giang – Chỉ huy trưởng công trình thuộc đơn vị thi công Liên doanh nhà thầu Công ty cổ phần Hassyu Việt Nam – Công ty cổ phần Cầu 14 – Công ty cổ phần vật tư thiết bị và xây dựng 624 cho biết: “Đơn vị thi công đã đưa 600 cây cừ Larsen thép 4 để làm khung vây, 3 dàn máy khoan, 2 cần cẩu 40 tấn, 1 sà lan 1.200 tấn, máy đóng cọc cừ, máy phát điện, hơn 100 tấn thép khép hình IH và hàng trăm thiết bị khác để thi công công trình. Xác định đây là công trình trọng điểm của tỉnh nên đơn vị thi công tập trung nguồn lực để làm. Năng lực đơn vị thi công dồi dào nhưng khó khăn lớn nhất là chưa có mặt bằng để thi công. Khó hơn là vì chưa có mặt bằng để làm đường công vụ nên phương tiện vận chuyển vật liệu vào thi công rất vất vả… Hiện nay tiến độ công trình đã đạt trên 43%...”.

Phía bên kia công trình, trên con đường Nguyễn Văn Linh nối với cầu Văn Thánh, khi thấy chúng tôi đến chụp hình người dân cũng kéo đến xem thi công công trình. Chú Nguyễn Ngọc ở Phú Tài cho hay rằng, người dân mong chờ cây cầu này nhiều năm nay nên mong cầu sớm được thi công xong. Có cây cầu này dân các phường Phú Tài, Đức Long, Đức Thắng và xã Tiến Lợi sẽ lưu thông tiện lợi hơn. Chú Ngọc kiến nghị: "Dân trong vùng kiến nghị với tỉnh khi làm xong cầu Văn Thánh cần làm thêm đoạn đường khoảng 500 m nối đường Nguyễn Văn Linh đến Lê Duẩn (cầu Văn Thánh – Nguyễn Văn Linh – Lê Duẩn) để tạo cung đường cho phát triển du lịch thành phố thêm đa dạng. Đồng thời nâng tầm hạ tầng đô thị Phan Thiết ở tầm cao mới…”.

Trở lại câu chuyện vướng mặt bằng, sau khi chỉ đạo thành phố Phan Thiết phải tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải quay qua hỏi ông Nguyễn Hữu Trung – Giám đốc Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng công trình giao thông Bình Thuận. “Nếu giải phóng xong sớm thì công trình có hoàn thành đúng theo hợp đồng?”. “Dạ nếu có mặt bằng sớm, cuối tháng 12 sẽ thi công xong công trình, đạt tiến độ theo hợp đồng” – ông Trung trả lời…

Cầu Văn Thánh là niềm mong mỏi của hàng ngàn người dân. Vì vậy, bây giờ, lúc đang mùa khô rất thuận lợi cho thi công nên cũng tràn đầy hy vọng cho sự xuất hiện cầu Văn Thánh vào thời gian đã định.

Theo thiết kế, cầu Văn Thánh dài 714 m, gồm 6 nhịp, đường dẫn dài 295 m, chiều rộng nền đường 27 m, mặt đường 15 m, vỉa hè mỗi bên 6 m. Tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng. Cầu được khởi công quý I/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2024.

GHI CHÉP CỦA TRẦN THI


(2) Bình luận
Bài liên quan
Giải báo chí Tỉnh Bình Thuận
BTO-Giải báo chí Tỉnh Bình Thuận lần thứ XII năm 2023 nhằm xét chọn, trao giải cho những tác phẩm báo chí chất lượng cao, có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận, là hoạt động để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháng 4 trên công trình trọng điểm cầu Văn Thánh