Chùa núi Tà Cú là một thắng cảnh đẹp với đầy đủ các hạng mục của thiên tạo và nhân tạo. Công lao lớn nhất là của vị sư trụ trì đầu tiên ở đây và những thế hệ nhà sư tiếp theo cùng phật tử của nhiều thế hệ, nhiều nơi, mới có được một chùa núi Tà Cú như hôm nay.
Mỗi thế hệ nhà sư và phật tử có một đóng góp và thêm một di tích hay thắng cảnh cho chùa Núi, ngày càng làm cho khu thắng cảnh này nổi tiếng và cuốn hút mọi người gần xa.
Bắt đầu là nửa cuối thế kỷ XIX, nhà sư Trần Hữu Đức (1812 - 1887) với pháp danh Thông Ân và pháp hiệu Hữu Đức từ Phú Yên vào đặt nền móng cho một số ngôi chùa ở Bình Thuận. Ngôi chùa cuối cùng là chùa núi Tà Cú nơi nhà sư ở lại trọn đời ở đây. Và cũng từ đây các thế hệ nhà sư tiếp theo đã xây dựng và tu bổ chùa nhiều lần trên nền móng cũ của Tổ sư Hữu Đức đã chuẩn bị trước đây.
Kiến trúc cổ chùa núi Tà Cú |
Đến năm 1963, sau lần tham quan thắng cảnh chùanúi (có nguồn tin là sau vụ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo ở Sài Gòn) kiến trúc sư Trương Đình Ý thiết kế và chủ trì xây dựng tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49 m, cao 7 m khởi công từ năm 1963 đến năm 1966. Đây là pho tượng Phật lớn nhất ở Việt Nam được xây dựng ở độ cao 475m so với mặt nước biển trong một tổng thể kiến trúc, di tích và là thắng cảnh độc đáo được hòa mình dưới rừng cây cổ thụ bốn mùa xanh tươi.
Pho tượng đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 2/1/2006 và ngày 2/3/2013 lại được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Tượng Phật nằm tọa lạc trên đỉnh núi cao nhất châu Á”.
Di tích và thắng cảnh chùa Núi đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1993. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 20 năm chùa Núi được xếp hạng di tích cấp Quốc gia)
Sắp tới có thể có các kỷ lục mới khác tại đây. Đó là việc chùa Núi được khởi công tu bổ, tôn tạo đến nay đã gần 8 năm nhưng chưa xong. Dự kiến của sư trụ trì là khoảng 2 năm nữa mới khánh thành, tức là 10 năm. Cũng chưa chắc gì, vì còn nhiều hạng mục chưa thi công hoặc đang dang dở. Có nhiều lý do cho sự chậm trễ, trước hết đó là một tổng thể kiến trúc cổ bao gồm chính điện, bảo tháp, gác chuông, gác trống, tạc tượng đá tại chùa… tất cả vật liệu xây dựng từ đá, xi măng, cát, sắt, đá, gỗ… với khối lượng hàng ngàn tấn đều qua vai những người thợ, nhân công chuyển từ chân núi lên, quá cảnh cáp treo và từ ga cáp treo lên đỉnh núi. Vãn cảnh chùa và viếng Phật trên núi cao đã là việc khó nhọc cho nhiều người, đằng này lại tu bổ tôn tạo một ngôi chùa có đầy đủ các hạng mục kiến trúc bề thế như vậy mới thấy được ý nghĩa và giá trị của công trình.
Thiết kế tượng Phật Di Lặc ở chùa núi Tà Cú |
Sư trụ trì cũng thật kỳ công cho từng công việc, như tạc tượng Phật và làm bàn đá cũng phải mời thợ điêu khắc từ vùng núi Non Nước (Đà Nẵng); thợ xây chùa và trang trí cũng phải mời bằng được từ Huế vào; lan can đá cũng phải lấy từ nguồn đá xanh ở Vũng Tàu… Cùng lúc làm nhiều việc khác nhau, công phu như vậy để bổ sung các công trình nghệ thuật và cũng là nội dung thờ phụng cho chùa, đáng được ghi vào lịch sử phát triển của văn hóa Phật giáo ở Bình Thuận.
Một sự kiện khác sắp được khởi công và thành hiện thực ở đây là tảng đá lớn phía sau Chính điện chùa Núi sẽ được tạc tượng Phật Di Lặc.
Từ nhiều năm nay khi thăm chùa núi Tà Cú và viếng Phật, điêu khắc gia Trần Thiện Nhứt đã để ý đến một tảng đá lớn sau lưng chùa, cách nhóm tượng Tam Thế Phật (Di Đà Tam Tôn) khoảng 15 m.
Theo thiết kế tượng Phật Di Lặc khi được hoàn thành sẽ có chiều cao là 4,2m, rộng 10m và nặng khoảng 700 tấn.
So với một số nơi khác, tượng Phật Di Lặc ở chùa núi Tà Cú ở mức vừa phải, nhưng điểm nhấn chính là tượng làm bằng đá tại chỗ, còn những nơi khác là tượng làm bằng chất liệu bê tông cốt thép. Điêu khắc gia Trần Thiện Nhứt giải thích cho tôi biết như vậy.
NguyỄn Xuân Lý