Trong “nguy” có “cơ”
Mấy ngày qua, nhiều xe container chở nông sản vì không thể trụ lại tại các cửa khẩu để chờ đến lượt thông quan đã quay đầu tìm đường tiêu thụ nội địa, trong đó có trái thanh long Bình Thuận. Ngoài “xả hàng” tiêu thụ nội địa, một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng (dù buôn bán tiểu ngạch) đã chuyển hướng xuất sang Trung Quốc theo đường biển qua cảng ở Hải Phòng, Đà Nẵng, dù biết chi phí đội lên khá cao và thời gian vận chuyển dài hơn.
Trong khi thị trường tiểu ngạch như thế thì thị trường chính ngạch vẫn diễn ra bình thường, ngay cả với chính ngạch vào Trung Quốc. Vì vậy, việc ùn ứ nông sản nói chung, thanh long nói riêng tại cửa khẩu chỉ là ách tắc cục bộ nhưng gây thiệt hại quá lớn. Nguyên nhân chỉ vì xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch chiếm tỷ lệ quá nhỏ, dù thị trường mở ra ở nhiều nước.
Theo Sở Công Thương, thực tế, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như: Nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo… Trong đó, thị trường nội địa khoảng 15 - 20% sản lượng, còn lại 80 - 85% sản lượng thanh long là xuất khẩu. Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2 - 3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu...
Điều đáng chú ý, trong bối cảnh thanh long mắc kẹt tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, thì tại tỉnh cũng trong thời gian trên đã xuất hiện thêm các sản phẩm mới chế biến sâu từ trái thanh long. Trong cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 – 2021”, sản phẩm Tương thanh long đã đạt giải nhất. Rồi sản phẩm kem thanh long đã trình làng và sắp tới sẽ có sản phẩm mì tôm thanh long xuất hiện. Trước đó nữa, có sản phẩm snack thanh long, mứt thanh long, hạt thanh long phơi khô xuất khẩu… Những sản phẩm này xuất hiện đã tạo sự bất ngờ, kích thích người tiêu dùng thưởng thức. Hơn nữa, qua đó cho thấy vị thế trái thanh long Bình Thuận trong tâm thức nhiều người, cho thấy người Bình Thuận đã nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long, chuyển hóa khó khăn về thị trường mà lâu nay ai cũng thấy là đang “dồn trứng vào 1 giỏ” qua đường tiểu ngạch Trung Quốc. Những sản phẩm mới, độc đáo từ trái thanh long này đang ở buổi đầu nên rất cần sự hỗ trợ, nâng đỡ để duy trì thành đặc sản địa phương. Tất cả như những tín hiệu cho thấy trong nguy nan có cơ hội, nhưng trước mắt làm sao trong thời gian tới tránh rơi vào “vết xe đổ” ùn ứ thanh long tại cửa khẩu.
“Chia trứng nhiều giỏ”
Về vấn đề này, ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, trước mắt sẽ chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền đến hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các văn bản khuyến cáo. Cụ thể là văn bản của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thị trường xuất khẩu nói chung, thị trường Trung Quốc nói riêng và diễn biến hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới… Hiện các sở ngành chức năng của tỉnh cũng đang khẩn trương tổng hợp danh sách các doanh nghiệp địa phương có nhu cầu tiêu thụ để hỗ trợ kết nối với đối tác giải quyết đầu ra cho thanh long Bình Thuận.
Sắp tới, việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước và chế biến nông sản cũng được địa phương tính tới. Ngoài ra Sở Công Thương sẽ làm đầu mối chủ trì, phối hợp các sở ngành tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, tiện lợi góp sức đưa thanh long Bình Thuận đến người tiêu dùng trong nước. Tiếp nữa là mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư để mở rộng thị trường tiêu thụ mặt hàng nông sản nói chung, kịp thời phục vụ người dân ngay trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Còn về lâu dài, Sở Công Thương sẽ phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân ra ở nhiều cửa khẩu, tránh tập trung vào một cửa khẩu nhằm hạn chế hiện tượng ùn tắc hàng hóa. Tiếp tục vận động doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu chính ngạch thanh long bằng đường biển để cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố phía Đông như Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Chiết Giang, Hồ Bắc…và các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc.
Ngoài tích cực triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước giai đoạn 2021 - 2025, ngành chức năng còn phối hợp thực hiện các chương trình hợp tác. Đó là liên kết giữa Bình Thuận với các tỉnh thành, vùng, khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác sẽ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại (trực tiếp lẫn trực tuyến) một cách đồng bộ, có trọng điểm và đạt hiệu quả, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp vào vụ thu hoạch.
Giải pháp tính đến còn có triển khai chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nhà máy chế biến thanh long, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như góp phần giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi...
Ngoài Trung Quốc thì Ấn Độ cũng là thị trường tiềm năng mà địa phương hướng đến với một số hoạt động kết nối giao thương trong thời gian qua nhằm xúc tiến tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Quốc gia hơn tỷ dân này cũng chuộng trái thanh long và người ăn chay chiếm tỷ lệ khá cao (món chay chủ yếu là rau quả), ước trung bình mỗi người dân Ấn Độ sử dụng khoảng 3 kg trái cây trong một tháng. Như vậy nếu thâm nhập thành công thì đây sẽ là thị trường tiêu thụ số lượng lớn thanh long Bình Thuận không những trái tươi mà còn các sản phẩm chế biến từ “rồng xanh”…