Theo dõi trên

Thanh niên 9X thu nhập khá nhờ nuôi chồn hương

14/09/2022, 05:22

Phạm Lê Thái Phong (SN 1995) ở khu phố Lập Nghĩa, thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam) bước đầu thành công với việc nuôi chồn hương bán giống, con nuôi còn khá mới tại tỉnh.

Phong là thành viên câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp thị trấn Thuận Nam được biết đến là nông dân trẻ làm kinh tế giỏi với cách làm kinh tế mới lạ, cho giá trị kinh tế cao. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2017, Phong trở về gia đình và liền bắt tay tập trung phát triển kinh tế gia đình. Với tính ham học hỏi, sau thời gian tìm hiểu trên sách báo chàng thanh niên trẻ quyết định khởi nghiệp bằng cách mở dịch vụ ẩm thực kết hợp với nuôi rắn ráo trâu (hơn 500 con) đem lại cho hiệu quả kinh tế. Năm 2020, Phong tiếp tục mở rộng trang trại thử nghiệm nuôi thêm chồn hương. Đến nay, chàng thanh niên trẻ thành công khi cho chồn hương sinh sản, tăng đàn bán con giống ra thị trường.

Chồn hương nuôi nhốt lồng

Chồn hương có tên gọi là cầy vòi hương là một loài động vật hoang dã nhưng nhờ có giá trị cao về dược liệu và thực phẩm nên hiện nay việc nuôi chồn hương ngày càng phổ biến. Nắm bắt xu hướng này, Phong đi học hỏi kinh nghiệm những người nuôi ở ngoài tỉnh, nghiên cứu tài liệu, sách báo và hướng dẫn kỹ thuật nuôi chồn hương. Phong cho biết: Để nuôi chồn hương phải làm lồng sắt cao cách mặt đất khoảng 1,5m cho thông thoáng và tiện vệ sinh chuồng trại. Mỗi ô chuồng đều được bố trí rộng rãi giúp chồn có không gian vận động. Chồn hương có sức đề kháng tốt, dễ thích nghi, tuy nhiên khi nuôi cần đặc biệt lưu ý bệnh liên quan đến đường ruột. Để phòng bệnh phải dọn vệ sinh hàng ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp. Nước uống phải sạch và qua xử lý kỹ, ngoài ra cần bổ sung thêm canxi, men tiêu hóa vào thức ăn giúp chồn tăng sức đề kháng, khỏe mạnh.

Chồn nuôi thuần dưỡng rất dạn dĩ, gần gũi

Chồn hương thuần dưỡng chủ yếu ăn chuối chín và cháo cá, cháo đầu gà. Sẵn chuối trồng ngoài vườn, cá nuôi dưới ao, thức ăn thừa ở quán được Phong tận dụng làm nguồn thức ăn cho chồn. Mỗi ngày cho ăn một lần vào các buổi chiều, do tập tính hoang dã, ban ngày chồn thường ngủ, chỉ thức dậy vào tầm chiều và ban đêm để kiếm ăn. Chồn mẹ một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con, mùa sinh sản kéo dài từ tháng 3 - 7. Chồn sinh sản cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi, để phòng bệnh chồn mẹ sau khi sinh thiếu chất sẽ ăn con non. Chồn con nuôi khoảng từ 10-12 tháng là có thể xuất bán thương phẩm hoặc giữ lại nuôi làm chồn sinh sản. “Nuôi chồn hương công đoạn phối giống phải chú ý. Con cái đến thời kỳ động đực mới thả con đực vào giao phối, thời kỳ động đực của con cái chỉ kéo dài từ 2-3 ngày nên phải theo dõi kỹ. Khi thấy chồn bố mẹ không còn quấn quýt với nhau nữa xem như việc phối giống thành công và phải tách ra ngay. Đặc tính của chồn cái khi mang thai (90 ngày) rất dữ, phải thiết kế chuồng riêng cho chồn sinh sản để tiện theo dõi, chăm sóc con non”, Phong nói.

Chồn hương là loài động vật hoang dã, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm vừa là món đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng. Với chất lượng thịt thơm ngon, chồn hương đang được thực khách ưa chuộng và chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để tìm mua. Nắm bắt được điều này, hiện Phong chủ yếu tập trung bán giống. Có nguồn gốc tự nhiên, nhu cầu sử dụng lại cao nên đầu ra của chồn hương khá ổn định. Phạm Lê Thái Phong cho biết thêm: “Em nhận được rất nhiều điện thoại đặt hàng nên không đủ cung cấp cho thị trường. Khách hàng đặt con giống từ trước 10 tháng khi chồn mẹ chưa sinh sản. Thời gian tới, em định sẽ mở rộng chuồng trại đáp ứng nguồn con giống cũng như cung cấp chồn thịt tạo sự đa dạng trong đầu ra sản phẩm”.

Dù “tay ngang” vào nghề nhưng nhờ với tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi việc nuôi chồn hương sinh sản mang về thu nhập khá cao cho chàng thanh niên trẻ. Từ 4 cặp con giống nuôi ban đầu, chồn sinh sản đến nay đã xuất bán được khoảng 7 lứa, mỗi lứa từ 3-6 con, hiện đàn chồn hương của Phong còn lại 17 con chủ yếu là chồn sinh sản. Giá chồn thịt dao động từ 2 – 2,3 triệu đồng/kg, chồn giống từ 10 – 30 triệu đồng/cặp tùy trọng lượng.

T.DUYÊN


(2) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Nam: Áp dụng tiến bộ khoa kỹ thuật trong chăn nuôi bò
Những năm gần đây, cùng với một số địa phương trong tỉnh, huyện Hàm Thuận Nam đã thực hiện chương trình cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống bò BBB (Blanc Bleu Belge). Qua đó, giúp người chăn nuôi hiểu biết và tiếp cận được với các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần cải tạo tầm vóc và khả năng sản xuất của đàn bò hiện nay.
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh niên 9X thu nhập khá nhờ nuôi chồn hương