Theo dõi trên

Thắp lên niềm vui nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số

25/10/2023, 05:04

Gương mẫu đi đầu trong những việc khó, có nhiều đóng góp khi cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động nhân dân đẩy lùi bạo lực gia đình, phát triển kinh tế, xây dựng thôn, bản ổn định đảm bảo an ninh trật tự… Đó là câu chuyện về những đảng viên nơi vùng cao huyện Tánh Linh, những người được ví là “cánh tay nối dài” giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc ở đây.

La Ngâu được biết đến là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tánh Linh. Những năm trước đây, đời sống của người dân nơi này gặp khó khăn cộng với trình độ dân trí thấp nên rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để kích động chia rẽ đồng bào. Hơn lúc nào hết, vai trò của những đảng viên ở cơ sở cần được phát huy. Bởi họ chính là những cánh tay nối dài, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.

z4812463760931_b88f276f3d75f7d52dfc841bf2ff0726(1).jpg

Một ngày của tháng 10, chúng tôi theo chân đảng viên Nguyễn Văn Thuận - Bản trưởng Bản 2, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh đến nhà ông Lý Tuyết Sinh (Bản 2, xã La Ngâu là người dân tộc Khơ Me). Ông Sinh từng là hộ nghèo của xã, thế nhưng hôm nay gia đình ông đã có cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều so với các hộ trong thôn. Hiện gia đình ông đang canh tác 1,5 ha rẫy chuyên trồng điều và gần 1 ha đất chuyên trồng 2 vụ bắp và 1 vụ lúa. Hàng năm kinh tế gia đình ông thu về trên 120 triệu đồng. “Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay cũng là nhờ ơn Đảng và Nhà nước, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền Bản 2 đã chỉ dạy mình cách thay đổi thói quen trong sản xuất hàng chục năm nay. Đồng thời tập huấn cung cấp mình những cây con giống có giá trị áp dụng vào sản xuất cho nên cuộc sống mới khấm khá như bây giờ”, ông Sinh nói.

Cùng Bản 2, gia đình của anh Lý Văn Sinh, dân tộc Khơ Me cũng đã có cuộc sống ổn định. “Nhờ cấp ủy chính quyền cơ sở đã làm cầu nối để Đảng và Nhà nước hỗ trợ. Từ việc giúp đỡ như cho vay vốn để mua bò sinh sản, hỗ trợ nông cụ sản xuất nông nghiệp, nước sạch... nên gia đình của tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những người đảng viên ở cơ sở”, anh Sinh cho hay.

Đảng viên Nguyễn Văn Thuận - Bản trưởng Bản 2, xã La Ngâu cho biết: Hiện Bản 2 có 18 đảng viên đang sinh hoạt, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước đây, do trình độ học vấn thấp, nên bà con trong bản hay bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước, gây mất đoàn kết trong nhân dân. Song với tinh thần trách nhiệm, nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số đã nêu gương trong phát triển kinh tế, đồng thời thường xuyên tuyên truyền các chính sách, đường lối của Đảng đến với người dân. Chính từ việc nêu gương nên người dân trong Bản đã học và làm theo. Tín hiệu vui khi trong năm 2022 Bản 2, xã La Ngâu đã có 5 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo đã thoát nghèo.

Theo ông Hà Văn Dinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã La Ngâu: Hiện xã La Ngâu có 100 đảng viên đang sinh hoạt, hầu hết đảng viên người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đảng viên Bản 2 đã phát huy được vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhiều người trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong phát triển kinh tế; vận động người dân chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn người thân, bà con cùng mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Nhờ đó kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng phát triển, trong năm 2022 toàn xã La Ngâu đã giảm 19 hộ nghèo.

Không riêng gì ở La Ngâu, tại xã Đức Bình, huyện Tánh Linh, vai trò của những đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng được thể hiện rõ. Chị Thị Yến người Raglai (thôn 4, xã Đức Bình) năm nay vừa tròn 37 tuổi nhưng đã có 4 mặt con. Kinh tế gia đình chị vô cùng khó khăn khi người chồng không lo làm ăn lại còn thường xuyên bê tha trong rượu chè. Những cuộc cãi vã, đánh đập của người chồng dồn lên chị Yến như cơm bữa, khiến cho cuộc sống của gia đình chị đi vào bế tắc. Thế nhưng, sau khi nắm được tình hình của gia đình chị Yến, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những đảng viên ở cơ sở đã kết hợp tuyên truyền, vận động người trong gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư làm thay đổi, thức tỉnh người chồng. Giờ đây chồng chị Yến không còn rượu chè, bạo lực gia đình được giảm đi rất nhiều. “Chồng tôi đã chịu khó làm ăn, giúp tôi chăm lo cho các con nhỏ. Không khí gia đình tôi giờ luôn tràn ngập tiếng cười”, chị Yến nói.

Đảng viên Nguyễn Văn Bình - trưởng thôn 4, xã Đức Bình cho biết: Trước hết mình phải làm gương trước để người dân tin và theo chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, phải thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân để chuyển tải lên cấp trên. “Đối với vụ việc mang tính chất bạo lực gia đình thì phải kiên trì với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tác động đến gia đình làm thay đổi nhận thức khi có chuyển biến tốt thì tuyên dương ra cộng đồng dân cư trong các cuộc họp như thôn xóm, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc... Với những cách làm đó trong những năm qua tình hình an ninh trật tự tại địa bàn thôn 4 luôn được giữ vững ổn định và cùng với xã Đức Bình về đích NTM vào năm 2019”, ông Bình chia sẻ.

Có thể nói, với vai trò tiên phong, gương mẫu những đảng viên vùng cao huyện Tánh Linh đã làm cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong nhiều hoạt động. Từ đó, củng cố niềm tin cho đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng các bản vùng cao ngày một giàu đẹp.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người Chăm
Nhằm tạo không khí vui tươi lành mạnh, quảng bá, giới thiệu giá trị và bảo tồn vốn quý văn hóa vật thể, phi vật thể của người Chăm Bình Thuận, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức các chương trình văn hóa phục vụ du khách tham quan tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thắp lên niềm vui nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số