Theo dõi trên

Thay đổi quy định số giờ làm thêm trong một năm

03/06/2022, 07:19

Người lao động bớt lo lắng

Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, và không quá 200 giờ/năm trừ một số ngành, nghề, công việc như dệt may, da, giày, chế biến thủy, hải sản… được làm thêm từ trên 200 - 300 giờ/ năm. Với quy định như thế này, giáo viên dạy tăng thêm trong một năm học nếu vượt 200 tiết sẽ không được thanh toán những tiết dư ấy. Trong khi, khá nhiều trường học hiện giáo viên tiểu học và một số môn của bậc trung học cơ sở vẫn còn thiếu khá nhiều, dù địa phương đã đăng tin tuyển dụng nhưng vẫn chưa đủ nguồn cung.

giao-vien.jpg
Ảnh minh họa.

Thiếu giáo viên mà không thể hợp đồng được giáo viên bên ngoài vào giảng dạy, giáo viên phải dạy tăng tiết. Cùng với đó, nhiều thầy cô giáo trong trường bị dính Covid-19, thời gian nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội ít nhất là 7 ngày nên phải điều động giáo viên tiếp tục dạy thay.

Số tiết dạy tăng thêm cùng với số tiết dạy thay đồng nghiệp đôi khi vượt 200 tiết/năm nhưng theo quy định sẽ không được tính phần dôi dư trên 200 tiết quả rất thiệt thòi cho các thầy cô.

Vì thế, không ít giáo viên khi được phân công dạy thay đồng nghiệp bị bệnh, đi công tác, tập huấn hoặc dạy tăng thêm tiết do thiếu, giáo viên vẫn thường có tâm tư vì công sức của mình bỏ ra nhưng không được ghi nhận. Sợ giáo viên dạy tăng tiết quá nhiều sẽ không được thanh toán, một số trường học đã đưa ra biện pháp tình thế, phân công cho giáo viên ở tổ chuyên môn khác đảm nhiệm thêm (chúng tôi thường gọi là dạy chéo chuyên môn). Việc phân công như này, giáo viên không bị dạy vượt tiết nhưng học sinh lại không được học với thầy cô giáo đúng chuyên môn của mình.

Quy định số giờ làm thêm cũ có còn phù hợp?

Tại một số trường tiểu học ở La Gi và một số môn học (sử, địa) ở bậc trung học cơ sở thiếu giáo viên trầm trọng. Ngay trường học nơi người viết công tác hiện thiếu đến 6 giáo viên theo quy định. Vì thế mỗi tuần, một thầy cô giáo bình thường phải dạy tăng trên 10 tiết. Giáo viên kiêm nhiệm các chức danh sẽ dạy tăng khoảng 15 tiết/tuần. Dự kiến một năm học với 35 tuần thì số tiết tăng thêm phải hơn 300 tiết.

Một số bộ môn như sử, địa ở bậc trung học cơ sở cũng thiếu trầm trọng giáo viên nên mỗi thầy cô một tuần phải dạy tăng trên 10 tiết hoặc đến 15 tiết. Chỉ tính riêng học kỳ II, có thầy cô giáo dạy sử, địa đã dạy tăng gần 200 tiết. Nếu tính luôn số tiết dạy tăng của học kỳ I, thì một năm học giáo viên sẽ dạy vượt mức số giờ làm thêm theo quy định cũ. Đó là chưa nói đến việc những thầy cô bị Covid-19 sẽ nghỉ dạy, giáo viên trong tổ phải dạy thế và tính là tiết dạy tăng thêm.

Nếu tính số tiết dạy dôi dư do dạy tăng thêm vì thiếu giáo viên và tiết tăng dạy thay cho đồng nghiệp bị bệnh trong một năm học thì có thầy cô cũng vượt hơn 300 tiết. Công sức bỏ ra phải được trả công xứng đáng. Thế nhưng, đã là quy định (dù chưa hợp lý) thì các nhà trường vẫn phải thực hiện theo.

Nới quy định số giờ làm thêm

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 tháng và số giờ làm thêm trong 1 năm theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo đó, tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ, và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ. Đây chính là tin vui cho nhiều thầy cô giáo giảng dạy ở những địa phương hiện thiếu giáo viên trầm trọng và ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 đang xảy ra.

Việc quy định nới số giờ làm thêm cho người lao động mà không phân biệt ngành nghề gì như trước đây, sẽ giúp cho người lao động trong đó có giáo viên không còn lo khi được phân công dạy vượt quá nhiều tiết.

PHAN TUYẾT


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát động cuộc thi "Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình"
Hướng đến kỷ niệm 21 năm Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình”.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thay đổi quy định số giờ làm thêm trong một năm