Theo dõi trên

Thẻ BHYT giảm gánh nặng chi phí điều trị mỗi gia đình

12/04/2022, 05:39

“Nếu không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), người lao động phổ thông không có khả năng đóng viện phí khi đau ốm, bệnh tật. Gia đình người bệnh phải vay mượn nợ nần để điều trị bệnh, cuộc sống càng thêm túng quẫn”, đó là chia sẻ của chị Ngô Thị Kim (Phú Tài - Phan Thiết).

Chị Kim cho biết: Gia đình chị có 4 người đều có thẻ BHYT. Thẻ mang lại với nhiều lợi ích cho người mua. Khi bệnh thông thường, người mua ra tiệm thuốc tây mua vài chục ngàn thuốc để uống, thì không thấy được giá trị khi bệnh nặng cần nhập viện. Các chi phí liên quan đến khám chữa bệnh như xét nghiệm, thuốc điều trị… đều được bảo hiểm chi trả phần lớn. 2 vợ chồng chị đều làm lao động phổ thông, nuôi 2 con ăn học. Chuyện tiền tiết kiệm để dành mỗi tháng rất khó; không may xảy ra đau ốm phải nhập viện, thì không có nguồn tiền chi trả. Cả 2 vợ chồng 3 lần nhập viện, nhờ có thẻ BHYT, giảm bớt gánh nặng cho gia đình; chứ không phải vay mượn sinh ra nợ nần. Điều đó sẽ tạo ra 1 vòng lẩn quẩn trong túng thiếu.

do-huyet-ap.jpg
Đo huyết áp cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế Phan Thiết

Cụ thể, năm 2021, chị Kim đau bụng sau khi thăm khám tại bệnh viện tư nhân hạng 3. Bác sĩ chỉ định mổ ruột thừa. Nhờ có thẻ BHYT, tổng tiền viện phí khoảng 8 triệu đồng. Một người khác nằm cùng phòng cũng mổ ruột thừa, nhưng phải chi trả hơn 18 triệu đồng do không có thẻ BHYT. Trước đó, chồng chị bệnh gan trải qua 2 lần điều trị đều có thẻ BHYT, nên chi phí tại bệnh viện chỉ 1 phần nhỏ. Còn người khác nằm cùng phòng, chi phí điều trị bệnh gan lên đến vài chục triệu đồng.

Tương tự bà Đinh Kim Anh (Phú Trinh), 65 tuổi, bệnh cao huyết áp. Mỗi tháng đều đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện để khám và lấy thuốc uống điều trị ngoại trú. Theo bà Anh, gia đình 5 người đều có thẻ BHYT. Nhờ có thẻ BHYT, tiền thuốc của bà chỉ tốn vài chục ngàn mỗi tháng. Bà Anh nói: “Người già, sức khỏe kém, bệnh đau đến đột ngột! Bác sĩ yêu cầu nhập viện mà mình không có thẻ BHYT, thì khổ cho con cái chạy vạy lo tiền thuốc. Vì vậy, thẻ BHYT vừa hết hạn, gia đình lo mua đáo hạn lại ngay”.

Không chỉ thế, BHYT mang lại cơ hội sống cho người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo có thu nhập thấp. Chẳng hạn, những người mắc bệnh tim, thận - chạy thận nhân tạo… phải sống chung với bệnh tật suốt đời. Chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Nếu không có BHYT, nguồn thu nhập từ việc làm thuê làm mướn thì không thể nào chịu được khoản chi phí điều trị lớn như thế.

Theo danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế, ngành y tế có hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật. Người tham gia BHYT có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế. Không may mắc những bệnh phải có sự can thiệp kỹ thuật cao như, phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch…; sử dụng máy tạo nhịp tim, stent mạch vành, khớp nhân tạo, thuốc điều trị đắt tiền… đều được bảo hiểm thanh toán.

BHYT là chính sách đảm bảo an sinh xã hội để chăm sóc sức khỏe người dân, không vì mục đích lợi nhuận. Từ thực tế và những trường hợp cụ thể cho thấy chính sách BHYT đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí do bệnh tật trong từng gia đình; góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật. Mỗi người dân tham gia BHYT là cách giảm bớt rủi ro khi bị mắc bệnh.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:
Sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ năm 2022
Chiều 10/1, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tại điểm cầu Bình Thuận, đại diện BHXH tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tham dự hội nghị.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thẻ BHYT giảm gánh nặng chi phí điều trị mỗi gia đình