Theo dõi trên

Thời gian vàng cho hải đặc sản sinh sôi

02/05/2022, 05:58

Bình Thuận được xem là một trong những ngư trường lớn nhất của cả nước, là nơi tập trung các loại hải đặc sản nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị cao như điệp, sò lông, bàn mai, nghêu lụa, sò giấy… Do đó, nhiều năm nay UBND tỉnh đã ra thông báo cấm tất cả các hoạt động khai thác các loài hải đặc sản (mùa sinh sản) từ 1/4 đến 31/7, nhờ đó, nguồn lợi thủy sản sinh sôi phát triển.

Hàng năm, vào mùa cá nam, toàn tỉnh có hàng trăm lượt tàu thuyền hành nghề lặn hải đặc sản tập trung nhiều nhất là tại vùng biển Tuy Phong và La Gi. Nguồn lợi tự nhiên này được coi là thu nhập chính của lao động biển chuyên nghề lặn ở các xã như Chí Công, Phước Thể, Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong). Mỗi năm sản lượng khai thác sò điệp toàn tỉnh khoảng 9.000 tấn, chiếm hơn 50% tổng sản lượng khai thác hải đặc sản, sò lông gần 2.000 tấn chiếm hơn 10%... Mỗi ngày thu nhập của ngư dân từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Do đó, hàng trăm ngư dân chuyên lặn hải đặc sản trong tỉnh có thu nhập khá, đời sống dần được cải thiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi hải sản đang có xu hướng giảm mạnh. Nhiều ngư dân vì lợi ích riêng, chưa có ý thức, đã đánh bắt theo kiểu tận diệt, không còn lặn theo kiểu truyền thống mà đa số chuyển sang lặn chích điện, khai thác cả hải sản non và hải sản đang trong thời gian sinh sản. Thêm vào đó, tình trạng giã cào bay hoạt động sai tuyến trở nên phức tạp, một số tàu thuyền sử dụng chất nổ để khai thác… Đó là nguyên nhân chính khiến nguồn lợi hải sản từ biển đứng trước nguy cơ tận diệt.

dsc01863.jpg
Cạy sò. (Ảnh tư liệu).

Năm 2012, UBND tỉnh (cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước) đã có thông báo, từ 1/4 đến 31/7 sẽ cấm tất cả các hoạt động khai thác các loài hải đặc sản (nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loại ốc) trên toàn vùng biển Bình Thuận, để bảo vệ và khôi phục nguồn lợi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao đang ngày càng bị cạn kiệt. Sau đó, UBND tỉnh ban hành thêm Quyết định 61, cấm tàu giã cào có công suất 150 CV trở lên hoạt động trong thời gian trên, nhằm tái tạo, bảo vệ nguồn lợi hải đặc sản. Những năm đầu áp dụng quy định trên, nhiều ngư dân nghề lặn và chủ tàu hành nghề giã cào phản ứng mạnh. Một số ngư dân ở thị trấn Phan Rí Cửa từng đến UBND thị trấn thắc mắc, phản đối quy định trên, vì họ không biết làm gì trong 4 tháng “cấm vận”. Sau một thời gian được chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích, ngư dân dần quen với lệnh cấm trên. Tàu thuyền hành nghề lặn chưa được cấp phép, buộc phải đến các vùng biển khác hoạt động, kiếm kế sinh nhai như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang hay Hà Tĩnh, Phú Yên… Riêng những tàu giã cào đành chuyển nghề trong 4 tháng, hoặc có thể bỏ lưới giã cào đi đánh bắt ngoài khơi. Khi thực hiện lệnh cấm này, không phải 100% ngư dân đều chấp hành, có người cũng lén lút hoạt động, chấp nhận đóng phạt để đi lặn. Chưa kể tàu giã cào bay ngoài tỉnh thường xuyên kéo về khai thác trong vùng biển Bình Thuận, dẫn đến lực lượng kiểm ngư, Thanh tra thủy sản chốt chặn, tuần tra vô cùng vất vả do lực lượng còn yếu và thiếu. Chính vì thế, những năm qua, đã có nhiều vụ tàu tuần tra của ngành thủy sản bị các tàu giã cào chống trả, xô xát ở mức nghiêm trọng.

Theo Chi cục Thủy sản, trong thời gian cấm khai thác, các ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các chủ phương tiện lặn, các tụ điểm tập kết, thu mua, vận chuyển hải đặc sản đang cấm khai thác. Sau nhiều năm thực hiện lệnh cấm, hiệu quả bước đầu cho thấy, một số loài đã xuất hiện trở lại nhiều hơn, kích cỡ lớn hơn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của ngành còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành chỉ đạo trên, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm. Bên cạnh việc cấm khai thác, ngành thủy sản cùng các địa phương đã có nhiều đợt thả con giống xuống biển nhằm tái tạo và xây dựng các mô hình cộng đồng bảo vệ sò lông, điệp quạt mang lại hiệu quả cao.

Có thể thấy, nhờ công tác tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” trong ngư dân, 10 năm qua việc khai thác hải đặc sản trong thời gian cấm tuy chưa được thực hiện triệt để, nhưng đa số ngư dân cũng nhận ra rằng lệnh cấm khai thác trong “thời gian vàng” đã mang lại quả ngọt, khi nguồn lợi hải đặc sản trong tỉnh ngày càng được sinh sôi, tái tạo giúp sinh kế của ngư dân ngày càng ổn định, kinh tế biển dần trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Vụ lao động mất tích trên biển Phú Quý:  Đã tìm thấy nạn nhân, sức khỏe ổn định
Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực III vừa thông báo đã tìm thấy thuyền viên bị mất tích trên biển ngày 29/4 tại vùng biển Phú Quý, sức khỏe ổn định.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời gian vàng cho hải đặc sản sinh sôi