Đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tỉnh và các địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai các nhóm giải pháp nhằm vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa xử lý các vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần gia tăng thu hút, giải ngân vốn FDI và đầu tư trong nước.
Theo đó, mục tiêu chương trình xúc tiến đầu tư của Bình Thuận là kêu gọi các dự án du lịch, kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp, kêu gọi các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng đến công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ”, giải quyết vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư. Khuyến khích các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đứng đầu các chuỗi sản xuất, sử dụng công nghệ cao đã khẳng định thương hiệu đầu tư vào các khu công nghiệp, khai thác tốt những sản phẩm lợi thế của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Vận động thu hút những nhà đầu tư chiến lược thật sự có năng lực, các dự án có công nghệ cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối về môi trường. Ưu tiên các dự án có quy mô lớn, gắn với chuỗi cung ứng và nghiên cứu và phát triển, có tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Căn cứ nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối các nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tổng số vốn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là 13.787 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước 2.761 tỷ đồng. Đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 4.965 tỷ đồng để đảm bảo cân đối được vốn thực hiện các công trình trọng điểm. Việc xác định số vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 4.965 tỷ đồng, phù hợp với khả năng thu tiền sử dụng đất của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025. Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 5.500 tỷ đồng. Đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương 511 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách tỉnh là 2.960 tỷ đồng. Nhu cầu đăng ký kế hoạch vốn của các chủ đầu tư 3.407 tỷ đồng, vượt hơn 1,15 lần so với khả năng cân đối của ngân sách tỉnh trong năm 2022.
Về danh mục công trình trọng điểm của tỉnh năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2021 có 8 công trình trọng điểm hiện vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện, do vậy sở đề xuất giữ nguyên 8 công trình trọng điểm trên tiếp tục chuyển sang năm 2022 là công trình trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt là Bình Thuận định hướng thu hút đầu tư và phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch dựa trên các loại hình du lịch như: du lịch biển, thể thao, giải trí, du lịch văn hóa, du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… Đồng thời, tỉnh nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch, nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Quyết tâm làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, Bình Thuận đã tạo niềm tin, thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư xây dựng và phát triển loạt dự án bất động sản tầm cỡ, tiêu chuẩn quốc tế cùng các dịch vụ, tiện ích đi kèm.
Nhận thức và xác định tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, tỉnh Bình Thuận đã triển khai lập Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xác định các khu vực tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên của tỉnh, phát triển ngành công nghiệp địa phương và góp phần cùng cả nước vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Những năm qua, tỉnh còn triển khai nhiều cơ chế, biện pháp, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, qua đó ngành nông nghiệp của tỉnh đã có những bước chuyển mình toàn diện.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo sức hấp dẫn của nền kinh tế để qua đó giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và thu hút đầu tư chất lượng cao. Tiếp tục huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn trực tiếp nước ngoài nhằm khai thác tiềm năng kinh tế. Tập trung thu hút đầu tư theo định hướng tập trung phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị, đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững.