Tiền đạo Huỳnh Phúc Hiệp không thể tận dụng cơ hội trước khung thành CAND. |
Đối thủ của Bình Thuận là Công an nhân dân, tiền thân là đội Công an Hà Nội lừng lẫy trong những năm 90, đầu những năm 2000. Với đội hình đồng đều về thể hình, thể lực, được đào tạo bài bản từ 5 năm trở lại đây, CAND được đánh giá nhỉnh hơn Bình Thuận, vốn là một tập thể được xây dựng từ nhiều cầu thủ thuộc các đội bóng toàn quốc (chỉ có khoảng 5 cầu thủ gốc Bình Thuận).
Thua từ trước lúc ra sân
2 cặp đấu giữa Bình Thuận và CAND, Bình Định và Hà Nội (đội hình 2 của Hà Nội thi đấu V. League 2017), 2 đội thắng sẽ thăng hạng, thua sẽ đá thêm 1 trận để chọn đội thứ 3, đội “tệ” nhất sẽ đấu với Đồng Tháp (cuối bảng giải hạng nhất) trong trận đấu play-off. Tuy cơ hội lên hạng của Bình Thuận được đánh giá thấp nhất, nhưng trong bóng đá, nhất là các trận đấu mang tính chất quyết định như thế này thì điều gì cũng có thể xảy ra.
Bình Thuận vào trận với sơ đồ 5-4-1 với tâm thế chủ động phòng ngự, chờ cơ hội phản công trước sức trẻ, sự đồng đều của CAND. Thế trận 20 phút đầu tiên cũng cho thấy phần nào nhận định này là đúng khi CAND ép sân toàn bộ, chiếm đến 85% thời gian kiểm soát bóng, với đa dạng các đường tấn công: từ trung lộ đến 2 biên, kết hợp bóng bỏng, các đường chuyền dài với các pha đột phá cá nhân, bật tường trung lộ… Tuy nhiên, tất cả đều chưa qua được “xe buýt 3 tầng” với 5 trung vệ, hậu vệ cộng với sự hỗ trợ của 4 tiền vệ. Tâm thế phòng thủ đã xuất phát từ đầu trận. Đây có thể hiệu quả, nhưng nếu phòng ngự quá chặt, khả năng mất lỗi do quá tập trung phòng thủ cũng sẽ rất dễ xuất hiện.
Đá không hiệu quả, CAND chuyển ngay chiến thuật: chủ động cầm bóng, điều bóng về sân nhà, cộng với các pha mất bóng “có kiểm soát” nhằm “dụ” các cầu thủ Bình Thuận lên cao hơn, từ đó giãn đội hình phòng ngự. Và điều này đã thành công.
Điểm yếu cánh trái
Cánh trái của Bình Thuận có tiền vệ cánh Nguyễn Kiên Quyết (số 22), tiền vệ trung tâm Lê Hoàng Thống (11), hậu vệ cánh Bùi Ngọc Tín (4) và trung vệ Trịnh Đức Lợi (23). Khi tấn công, Quyết thi đấu năng nổ nhưng thường lên quá cao. Tín thì thường đứng ở sát đường biên trong khi Thống và Lợi thường bó vào trong sân. Từ phút 20, không dưới 5 lần đội CAND để mất bóng khu trung tuyến, giúp đội bóng đến từ Phan Thiết có nhiều pha phản công. Đội hình được đẩy cao, cự ly các tuyến giãn ra, nhiều lúc đến 20 mét là điều dễ nhận ra bên cánh trái của Bình Thuận.
Nhận ra điều này, CAND tập trung triển khai bóng đánh biên phải (cánh trái của Bình Thuận). Sai lầm sơ đẳng trong cự ly và cách đứng vị trí đã khiến Bình Thuận trả giá đắt ở cả 2 bàn thua chỉ trong 5 phút (phút 31 và 36) với các tình huống đội bạn cướp bóng từ sân nhà, chuyền vượt tuyến sang cánh cho tiền vệ cánh rồi đẩy bóng vào trung lộ, dẫn bóng qua trung vệ và dứt điểm ghi bàn. Riêng ở bàn thứ 2, Tín và Thống gần như không làm được gì, để Nguyễn Hữu Tuấn bên CAND đột phá thẳng vào vòng cấm địa. Để rồi, Lợi ra chân cản phá trúng “chân” đối thủ, penalty và bàn thắng thứ 2 được ghi cho CAND.
Nhận định sai của Ban huấn luyện?
Trong trận đấu này, huấn luyện viên Trần Thống Khai không thể trực tiếp chỉ đạo đội bóng (do lỗi kỹ thuật, bị trọng tài mời lên khán đài tại trận gặp Lâm Đồng trước đó). Không biết có phải nguyên nhân này mà đội bóng Bình Thuận không nhận ra điểm yếu bên hành lang cánh trái của mình? Vị trí của Bùi Đức Tín không phải là hậu vệ cánh trái mà là hậu vệ cánh phải (thi đấu tốt tại các trận ở vòng loại). Các quyết định thay người và luân chuyển tiền vệ cánh phải sang cánh trái cũng không thể phát huy được hiệu quả. Chỉ đến khoảng 20 phút cuối của hiệp 2, khi Nguyễn Vũ Trường Giang vào thay và đá tiền vệ cánh trái thì thế trận mới cân bằng hơn. Nhưng lúc này thì đã quá muộn, khi đội Bình Thuận đã bị dẫn 0 - 3 (ở phút 53 cũng xuất phát từ hành lang biên trái).
“Nhiều cầu thủ đá dưới phong độ, nguyên nhân chưa rõ, có thể do mình nghỉ ít hơn 1 ngày so với CAND, thể lực chưa phục hồi cộng với tiền vệ trụ Nguyễn Đức Nhân (số 24) bị phạt nghỉ thi đấu do nhận nhiều thẻ phạt… có thể là nguyên nhân!”, huấn luyện viên Trần Thống Khai cho biết sau trận đấu. Cựu cầu thủ Bình Thuận nhấn mạnh: Trình độ của CAND có nhỉnh hơn đội Bình Thuận vì chất lượng cầu thủ đồng đều, khả năng kết nối giữa các tuyến tốt. Nhưng họ không có cá nhân nổi bật như Bình Thuận, vì vậy họ không hơn mình nhiều. “Nhưng thực sự có quá nhiều cầu thủ thi đấu dưới sức mình trong trận đấu này”, ông Khai quả quyết.
Một điều đáng để suy nghĩ nữa là đội hình xuất phát của Bình Thuận chỉ có 1 cầu thủ gốc xứ Phan là trung vệ đội trưởng Nguyễn Ngọc Phước. Liệu có tự hào hay không nếu thắng CAND, thăng hạng nhất…với đội hình “liên hiệp các tỉnh, thành” này?
Thua một đội bóng của ngành Công an với tỷ số 3 – 0, chúng tôi, những người hâm mộ bóng đá địa phương, không quá bất ngờ. Nhưng quá buồn cho cách thua, cho các xử lý “không hiểu nổi” của ban huấn luyện đội bóng, cho cách đá bóng dưới phong độ “rất bất thường” của các cầu thủ.
Thua CAND, Bình Thuận sẽ tranh suất thứ 3 thăng hạng với Hà Nội (bất ngờ thua Bình Định 0 – 1). Mong rằng ban huấn luyện đội Bình Thuận có những phân tích tốt trận thua này, ai sai, sai chỗ nào, cách xử lý ra sao, dứt khoát tránh các biểu hiện tiêu cực có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ tập thể đội bóng, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả mùa giải. Và người dân Bình Thuận vẫn đang hướng về Quảng Nam, mong chờ tin thắng trận của cả đội, thực hiện ước mơ thăng hạng của người dân xứ Phan.
Đình HẬu
(từ Tam Kỳ, Quảng Nam)