Theo dõi trên

Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể - những việc cần làm ngay

24/10/2024, 06:09

Hiện nay khu vực kinh tế tập thể và Hợp tác xã ở nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng vẫn còn hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu… trước thực trạng đó cần phải xác định những việc cần làm ngay để thúc đẩy sự phát triển của Kinh tế tập thể và Hợp tác xã.

Những khó khăn

Kinh tế tập thể (KTTT) là sự bổ sung quan trọng cho kinh tế thị trường, đặc biệt là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. KTTT chính là công cụ để khắc phục các thất bại của thị trường. Bản chất của KTTT là hợp tác để cùng cạnh tranh. Mô hình Hợp tác xã (HTX) là mô hình để giúp các cá nhân nhỏ lẻ, yếu thế hợp tác lại với nhau cùng tạo sức mạnh cạnh tranh trong kinh tế thị trường và cùng nhau phát triển… Ở nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng trong những năm gần đây, khu vực KTTT và HTX đã và đang phát triển khá đa dạng trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay đã xuất hiện một số HTX trên một số ngành, nghề, lĩnh vực mới như y tế, giáo dục, môi trường, khoa học, công nghệ. HTX là một chủ thể quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến. Tuy nhiên thực tế cho thấy, khu vực KTTT, HTX vẫn còn hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu. Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn một số bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong phát triển KTTT, HTX còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương.

Đẩy mạnh các giải pháp

Trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển KTTT và mô hình HTX, việc đầu tiên chúng ta tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của KTTT, HTX trong phát triển nông nghiệp bền vững nói riêng và kinh tế - xã hội địa phương nói chung. Huy động sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của các tổ chức đoàn thể, chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các đảng viên, công chức trong tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân và hỗ trợ hoạt động cho các HTX, qua đó khẳng định phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu. Bởi lẽ thực tế cho thấy, cách thức tổ chức và hoạt động của KTTT khác với cách thức tổ chức các doanh nghiệp, do đó, điều kiện tiên quyết để phát triển KTTT là phổ biến nhận thức về KTTT và vai trò của nó trong nền kinh tế thị trường. Nếu không minh định rõ ràng được KTTT là gì và sứ mệnh khác biệt của KTTT so với các hình thức tổ chức kinh doanh khác thì sẽ rất khó phát triển KTTT. Đặc biệt, tại các nước đang chuyển đổi như Việt Nam thì ký ức về thất bại của KTTT trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp vẫn chưa phai nhạt, ấn tượng về KTTT, về HTX là không tốt nên sức hấp dẫn của KTTT không lớn. Sự phát triển hiện nay của các HTX vẫn chủ yếu đang theo hướng tìm kiếm lợi nhuận. Các báo cáo về phát triển HTX cũng nhấn mạnh yếu tố lợi nhuận của HTX. Điều này vô hình trung tạo ra sự nhận thức sai lầm về KTTT và HTX như một hình thức tổ chức khác của doanh nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận. Cùng với đó, chúng ta phải nhận thức rõ rằng, KTTT phát triển dựa trên lòng tin lẫn nhau giữa các thành viên. Để duy trì lòng tin thì cần thiết phải có hệ thống pháp lý đầy đủ và đồng bộ để các xung đột lợi ích, các hành động trục lợi dựa vào lòng tin đều được xử lý. Đặc biệt, trong KTTT luôn có một dạng tài sản chung, sở hữu tập thể và không chia. Hệ thống pháp luật phải đảm bảo quyền lợi chung và riêng của từng thành viên thì mới khuyến khích mọi người cùng tham gia… Do đó cần tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập các quy định hiện hành. Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các Luật liên quan (Luật Đất đai, Luật Thuế…), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển bền vững.

Tiến hành bổ sung, sửa đổi các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thúc đẩy phát triển KTTT, HTX phù hợp bản chất, tránh bao cấp; cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với KTTT, HTX phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cấp vốn bổ sung cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương để tạo điều kiện cho HTX đa dạng hóa nguồn vay. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế để các HTX có đủ năng lực, điều kiện được tham gia thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đầu tư công. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong HTX, doanh nghiệp liên kết với HTX trong việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm của HTX được vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục huy động, tranh thủ nguồn lực từ các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia phát triển KTTT. Hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số.

Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các HTX phối hợp với doanh nghiệp, liên doanh, liên kết trong việc cung ứng dịch vụ và bao tiêu sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ các HTX trong các hoạt động xuất khẩu, tìm kiếm thị trường, tham gia các hội chợ, hội chợ triển lãm, chương trình kết nối và tăng cường công tác khuyến công giúp các HTX đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị phát triển sản xuất. Hướng dẫn, hỗ trợ các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó đa dạng hóa các khâu dịch vụ, chú trọng sản xuất hàng hóa, đưa giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Hỗ trợ, vận động các HTX trong ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh, chủ động chuyển đổi hình thức bán hàng trực tiếp sang trực tuyến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nước ngoài, để tìm đầu ra xuất khẩu, tạo thị trường ổn định phát triển KTTT và các HTX trong tỉnh; phát triển KTTT theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm đi đôi với hỗ trợ xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng phương án hoạt động đảm bảo chất lượng, thống nhất cao trong nội bộ thành viên trước khi tổ chức thành lập. Tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch; củng cố bộ máy kế toán, kiểm toán. Tạo điều kiện cho HTX tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm từng bước thực hiện chuyển đổi số, theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 03/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, về đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX…

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Năm 2025, sẽ đổi mới phương thức, phát triển HTX theo mô hình kiểu mới
Luật HTX năm 2023 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024, sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động của các HTX trong giai đoạn mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Hiện nay, nhiều HTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, các bạn trẻ, người dân tộc thiểu số, phụ nữ tham gia mô hình kinh tế tập thể (KTTT), giúp họ trở thành người làm chủ kinh tế gia đình, đóng vai trò quan trọng trong xã hội.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể - những việc cần làm ngay