Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5, để đáp trả việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ coi 2 quốc gia này là “nhà khách cho những tổ chức khủng bố” do họ chứa chấp các thành viên của nhóm người Kurd, như Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara cho là bất hợp pháp.
“Tôi hoan nghênh việc Thụy Điển đã bắt đầu thay đổi luật chống khủng bố và họ cũng đảm bảo sẽ xây dựng khuôn khổ pháp lý về xuất khẩu vũ khí phù hợp với những cam kết của một thành viên NATO với các đồng minh”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson.
“Đây là hai bước quan trọng để giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu ra”, ông Stoltenberg nói thêm.
Thủ tướng Andersson cho biết, Thụy Điển đã thay đổi luật chống khủng bố và đang trong quá trình thắt chặt hoạt động chống khủng bố.
“Từ đầu tháng 7, chúng tôi sẽ có luật pháp mạnh mẽ hơn nữa khi nói đến cuộc chiến chống khủng bố. Vì vậy, không có bất kỳ lo ngại nào về việc Thụy Điển có chống lại chủ nghĩa khủng bố hay sẵn sàng đóng góp vào cuộc chiến chống khủng bố hay không”, bà Andersson nói.
Theo ông Stoltenberg, mục tiêu hiện tại là để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO “càng sớm càng tốt” và đảm bảo sự hỗ trợ đối với hai nước Bắc Âu này nếu họ bị tấn công.
Trước đó, ngày 13/6, Tổng thư ký NATO nói rằng “không có lý do gì để tin rằng” Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn chặn nỗ lực gia nhập liên minh của Phần Lan và Thụy Điển.
“Chúng tôi không có lý do gì để tin rằng sẽ có bất kỳ vấn đề nào xảy ra. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng và khi một đồng minh nêu lên những lo ngại về an ninh, chúng tôi phải giải quyết chúng”, ông Stoltenberg nói và hy vọng mọi vấn đề có thể giải quyết “trong một thời gian phù hợp”./.