Theo dõi trên

Tiếng rao bánh ướt trên đường làng

05/07/2023, 06:04

Tiếng rao bán hàng ăn trong lành vào buổi sáng ở làng quê không réo rắt như thành thị, khiến nhiều người đi xa trở về thấy lạ, muốn mua hàng ăn cho biết. Tôi đã nhiều lần về quê nhà nhưng mỗi khi nghe tiếng rao “Ai bánh ướt đê…!” của bà bán bánh người hơi gầy đi ngang trước ngõ không khỏi tò mò, muốn ra mua đồ ăn sáng và cũng để bắt chuyện hỏi thăm bà cụ đầy nghị lực ấy.

Trong một lần như thế, bà gói bánh ướt cho vài người trong xóm và phần mua của tôi xong, bà vui vẻ nán lại bên con đường bê tông nông thôn, cho tôi hay về nghề làm bánh ướt mưu sinh mấy chục năm nay ở vùng quê yên bình Sơn Mỹ, Hàm Tân. “Hàng ngày mấy người trong các xóm nghe tiếng rao mua thức ăn sáng thường gọi tui là “bà bánh ướt”. Tên tui là Ngô Thị Lê, năm nay đã 71 tuổi, được trời thương sức khỏe vẫn còn dẻo dai để gánh hàng đi bán bánh ướt ở làng trên xóm dưới trong xã nông thôn mới”, bà cười, bộc bạch. Rồi dường như nghĩ ngợi điều gì, bà từ tốn chia sẻ cái nghề gia truyền mấy đời nay của gia đình để lại, cho tôi hay.

img_8456.jpg
  Khuôn mặt đôn hậu của bà Ngô Thị Lê 

Từ thập niên 1960 khi còn ở quê hương làng Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị, cô bé Lê mới lên 8 tuổi đã được bà nội cho phụ tập tành làm bánh ướt thủ công với bà nội. Nhờ cần mẫn, tỉ mỉ thao tác các công đoạn pha chế, tráng bánh cùng bà nội những năm tháng ấy, cô Lê rành rẽ nghề gia truyền này vào tuổi thiếu niên ở vùng đất cát Quảng Trị khi ấy đang khói lửa chiến tranh.

img_8452.jpg
Khuôn mặt đôn hậu của bà Ngô Thị Lê.

Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cô Lê cùng con trai nhỏ vào Sơn Mỹ, Hàm Tân, Bình Thuận sinh sống (trước đó chồng cô đã mất), khi ấy cô vẫn đam mê cái nghề bà nội truyền cho. Tuy nhiên những năm đầu thống nhất đất nước, kinh tế còn nhiều khó khăn, chỉ các dịp cúng giỗ, tất niên, cô mới có dịp làm bánh ướt cho gia đình, người thân trong họ hàng. Sau này đời sống người dân ở địa phương khá hơn, cô trở lại làm bánh bán cho vài bà con trong xóm thôn 1, thêm chút tiền phụ chợ. Khổ nỗi biến cố gia đình bất ngờ đến với người phụ nữ này, đứa con trai độc nhất khi bệnh rồi mất, khiến cô suy sụp tinh thần thời gian dài. Được sự động viên của người thân, hàng xóm, nỗi đau dần nguôi ngoai, cô Lê tập trung nghề làm bánh ướt, rao bán mỗi buổi sáng sớm, kiếm thu nhập nuôi bản thân, lo tuổi già. Thời gian sau, các cấp chính quyền, đoàn thể xã Sơn Mỹ đã quan tâm xây cho bà Ngô Thị Lê căn nhà tình thương nhỏ nhắn, ấm áp.

Bây giờ từ rạng sáng hàng ngày, bà Lê tuổi thất tuần vẫn gánh hàng bánh ướt từ nhà ở thôn 1 đi bộ qua nhiều con đường giao thông nông thôn đến tận thôn 4, cất tiếng rao quen thuộc. Nhiều người ủng hộ mua món bánh ướt dân dã, rẻ tiền mà bổ dưỡng, người ăn miền quê đều thích thú, bởi món bánh trắng tinh, mềm dẻo, rắc hành, pha vị béo, chỉ cần chấm nước mắm làm thủ công không kém phần ngon miệng. Tôi đã nhiều lần thưởng thức món ăn bình dân này mỗi khi trở về quê nhà Sơn Mỹ. Chỉ tầm 9, 10 giờ sáng, bà đã bán hết bánh, thu khoảng 100.000 đồng/ngày, sau khi trừ chi phí. Nguồn thu ấy trong tháng giúp bà trang trải sinh hoạt hàng ngày nơi miền quê giá cả không quá đắt đỏ.

Bà Lê cũng chân tình chia sẻ cách làm bánh gia truyền của gia đình mà bà đeo đuổi từ tuổi thơ đến bây giờ. Đó là gạo thường dùng loại gạo cũ (do sử dụng gạo mới, gạo ngon sẽ có nhiều nhựa nên bánh sẽ dính, khó chế biến), xay mịn, hòa với nước. Đặt nồi hấp, căng vải mỏng trên miệng nồi. Mỗi lần cho một muôi bột nhỏ, xoa đều lên bề mặt miếng vải để lá bánh ướt (có nơi gọi bánh cuốn) được mỏng, có thể thoa thêm chút mỡ để dễ lấy ra. Sau khi bánh chín, dùng đũa to hoặc thanh tre gạt ra dĩa hoặc lá chuối được rửa sạch, lúc này rắc thêm hành khô phi thơm, rồi chuẩn bị nước chấm thường pha chế bằng nước mắm, gánh hàng đi bán. “Ở một số nơi khác, bánh ướt có thể cuộn thêm nhân gồm một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ, tôm, băm cùng mộc nhĩ, nấm hương đã xào chín với các gia vị như mắm, hạt tiêu, đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt cho khách thưởng thức”, bà Lê nói thêm.

THỤY KHANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tánh Linh: Phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước
BTO-Sáng 30/6, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh huyện Tánh Linh phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn tổ chức khai mạc hè, ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2023.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếng rao bánh ướt trên đường làng