Tình trạng hậu Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng rộng lớn trên phạm vi toàn cầu, tác động đến tất cả các lĩnh vực và đã lấy đi sự sống của rất nhiều người. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, đến tháng 4/2022, nước ta đã có hơn 10 triệu ca nhiễm Covid-19 (hơn 10% dân số). Đối với những người đã mắc Covid-19 và may mắn vượt qua thì các triệu chứng cả về thể chất và tinh thần sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục xảy ra. Nhiều bệnh nhân sau khi âm tính Covid-19 vẫn còn tồn tại các triệu chứng ảnh hưởng sức khỏe. Vậy có phải những triệu chứng này là dấu hiệu của giai đoạn hậu Covid-19 và điều gì gây nên tình trạng này.
Tại buổi hội thảo “Tiếp cận, xử lý và chăm sóc bệnh nhân giai đoạn hậu Covid-19” do Trường Đại học Phan Thiết phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức vừa qua, các chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe đã cùng trao đổi về những triệu chứng, phương pháp tốt nhất chăm sóc bệnh nhân giai đoạn hậu Covid-19. Tham luận của TS.BS. Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Chánh Văn phòng Hội đồng Đạo đức Quốc gia, Chánh Văn phòng nghiên cứu phát triển Vắc xin Bộ Y tế nêu rõ: Với hàng trăm triệu ca Covid-19 đã được xác nhận trên toàn cầu, tình trạng hậu Covid-19 có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, nghiên cứu điều trị tình trạng hậu Covid-19 trở nên rất cấp bách. Nhu cầu về các liệu pháp điều trị tình trạng hậu Covid-19 là rất lớn. Theo một nghiên cứu dựa trên hồ sơ sức khỏe điện tử, có tới 57% những người hồi phục sau Covid-19 có ít nhất một triệu chứng của Covid-19 kéo dài. Trên thực tế, hơn 1 trong 3 người sống sót qua Covid-19 có ít nhất một triệu chứng kéo dài từ 3 - 6 tháng sau khi bị nhiễm trùng cấp tính. Tính tới thời điểm hiện nay, ít nhất đã có 4 thử nghiệm thuốc lớn đã được triển khai và dự kiến có kết quả bước đầu trong năm 2022. Các kết quả này có thể làm sáng tỏ tương lai của sự phát triển thuốc điều trị tình trạng hậu Covid-19.
Theo Ths.BS. Tiền Thanh Liêm - Phó Giám đốc Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an), hiện nay Bộ Y tế chưa ban hành bất cứ gói khám đặc thù nào cho “hậu Covid-19”, mà tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ khám, tư vấn và có chỉ định các dịch vụ kỹ thuật phù hợp, giúp chẩn đoán và điều trị chính xác. Có thể chia người mắc Covid-19 thành 3 nhóm: Nhóm 1: Nguy cơ cao phát triển tình trạng hậu Covid-19 (lớn tuổi, bệnh nền, Covid-19 cấp nặng khi nằm viện). Nhóm 2: Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mới hay còn dai dẳng sau khi khỏi Covid-19. Đây là 2 nhóm cần khám, theo dõi hậu Covid-19. Nhóm 3: Người sau khi khỏi Covid-19 không có triệu chứng gì (chiếm đa số), vẫn học tập, lao động, sinh hoạt bình thường, không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và không thuộc nhóm những người nguy cơ thì không cần khám hậu Covid-19.
Chăm sóc người bệnh hậu Covid-19
Theo các chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, các triệu chứng thường gặp ở hậu Covid – 19 như mệt mỏi, suy giảm chức năng cuộc sống, yếu cơ, đau khớp, khó thở, ho, nhu cầu oxy liên tục; sự lo lắng/phiền muộn, rối loạn giấc ngủ, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn nhận thức (sương mù não), nhức đầu, hồi hộp, đau ngực nghẽn mạch huyết khối, bệnh thận mãn, rụng tóc. Do đó, nhiệm vụ chăm sóc điều trị bệnh nhân hậu Covid-19 cần có sự tham gia của các chuyên gia lâm sàng và các chuyên gia y tế nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo TS.BS. Đỗ Huy Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận, đối với người lớn, mỗi người có một cách khác nhau để giúp giảm sự căng thẳng, sự lo lắng về bệnh tật của người thân hoặc của chính mình. Trong đó, tự hiểu biết rõ ràng về tình trạng bệnh là biện pháp tích cực giúp đối phó với bệnh tật… Trẻ em và thanh thiếu niên tuy ít mắc hội chứng hậu Covid-19 hơn người lớn, nhưng thật sự hội chứng hậu Covid-19 vẫn có xảy ra ở mọi lứa tuổi. Một số chuyên gia khuyên bệnh nhân hậu Covid-19 nên chú trọng tập thể dục vì tập thể dục đem lại những lợi ích tiềm năng đối với người bệnh hậu Covid-19 như có lợi cho hệ miễn dịch, giảm nhẹ các hội chứng về thể chất (đau cơ xương khớp), giúp hồi phục hiệu quả các biến chứng ở phổi, cải thiện sức khỏe tim mạch, kích thích sự dẻo dai của não và tăng cường sự lành mạnh về tâm lý.
Ngoài ra, việc tiếp cận điều trị hậu Covid -19 kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền là chiến lược. GS.TS. Trần Công Luận - Khoa Dược, Điều dưỡng, Trường ĐH Tây Đô đã đưa ra các cây thuốc và bài thuốc cổ truyền dùng trong giai đoạn hậu Covid-19. Cụ thể, nhóm bổ khí huyết, chống nhược sức gồm: nhân sâm, sâm Việt Nam, tam thất, đinh lăng, đảng sâm, bạch truật, hoài sơn, hoàng kỳ, cam thảo, gấc… Nhóm bổ phế, hành khí, hóa đờm: hương nhu, mạch môn, diếp cá, xạ cạn, tang bì, bán hạ, bồ công anh, hạnh nhân... Nhóm hỗ trợ khác: tỏi, gừng, trần bì hoặc sinh địa, nghệ, xuyên tâm liên…
Những thông tin, kiến thức và kỹ năng cần thiết về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân giai đoạn hậu Covid-19 được các chuyên gia đầu ngành chia sẻ đã giúp cho người bệnh tiếp cận đúng về hậu Covid-19 để biết được triệu chứng và được chăm sóc, điều trị kịp thời. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.