Bài 1: Thách thức của ngành hàng thanh long
Bên cạnh những hạn chế tồn tại từ nhiều năm qua như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh… thì hiện nay có lẽ thêm thách thức đối với sản xuất, kinh doanh mặt hàng thanh long của Bình Thuận nói riêng và trái cây cả nước nói chung là thị trường bị thu hẹp, yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc giám sát, kiểm tra, đánh giá, cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn hạn chế…
Nông dân ít “mặn mà”
Lẽ thường như mọi năm, vào dịp lễ tết, trong đó có dịp Tết Trung thu là thị trường thanh long lại khởi sắc. Người dân bắt đầu bước vào mùa chong đèn để “canh” hàng bán vào dịp này với giá cao. Những ngày qua, khi Tết Trung thu 2023 cận kề, giá thanh long cũng đang khởi sắc và có chiều hướng đi lên với mức từ 15.000 – 17.000 đồng/kg ruột trắng và 19.000 – 22.000 đồng/kg ruột đỏ. Tuy vậy, có một thực tế đang diễn ra là mặc dù giá bán đang khá cao, nhưng lại rơi vào điệp khúc “được giá mất mùa”, bởi sản lượng trái ít.
Một trong những nguyên nhân có thể nhắc đến là nhiều hộ dân đã không còn “mặn mà” chong đèn “canh” tết như mọi năm. Đơn cử như hộ ông Trịnh Chí Hiếu ở thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam sản xuất gần 1.000 trụ thanh long. Nhưng vào thời điểm này, gia đình không có hàng để bán vì không “canh” chong đèn. Còn hộ bà Lê Thị Thùy Linh (thành viên Hợp tác xã Phú Hội, Hàm Thuận Bắc) với 3.000 trụ thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thời điểm này cũng không có hàng bán, mà chỉ mới bắt đầu chong đèn… Theo một số hộ dân, năm nay do thanh long vụ mùa kết thúc trễ, giá cả bấp bênh nên người trồng ít quan tâm chong đèn. Ông Trần Quốc Thắng – chủ một doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thanh long tại Hàm Thuận Nam nhận định, hiện nay thị trường tiêu thụ thanh long nội địa đang phát triển tốt. Ngoài ra một số thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Úc, Nhật cũng rất khả quan. Tuy nhiên tại Bình Thuận thời điểm này do sản lượng thanh long ít nên doanh nghiệp ít có hàng để thu mua, dẫn đến giá cao.
Một thực trạng được Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận nhìn nhận, đó là đến cuối năm 2022 tỉnh có khoảng 27.787 ha, tăng gần 40% so với năm 2011 (18.616 ha), sản lượng từ gần 400.000 tấn tăng lên 594.000 tấn. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay giá thanh long luôn biến động ở mức thấp, sản lượng tiêu thụ ít, đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất thanh long của nông dân. Do đó hiện nay đã có một số hộ nông dân không chăm sóc, phá bỏ để chuyển sang trồng cây trồng khác.
Hàng loạt khó khăn, thách thức
Cây thanh long được xác định là cây chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế cao so với các cây trồng khác. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá, việc sản xuất thanh long đang tồn tại một số hạn chế. Đó là quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún; vùng sản xuất quy mô lớn chưa được nhiều, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh, khâu bảo quản, chế biến phát triển còn yếu, tỷ trọng sản phẩm hàng hóa có chất lượng, thương hiệu xuất khẩu thấp. Quan trọng nhất vẫn là việc tiêu thụ không ổn định, giá cả còn bấp bênh, khả năng cạnh tranh còn yếu, thị trường tiêu thụ chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Trong khi thị trường nội địa vẫn còn dung lượng tương đối lớn, nhất là khu vực phía Bắc, nhưng các doanh nghiệp chưa quan tâm mở rộng. Ngoài ra, chế biến thanh long tại Bình Thuận đang ở quy mô nhỏ, công nghệ chế biến, bảo quản chưa cao.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thêm khó khăn đối với thanh long Bình Thuận đó là sản xuất thiếu tính liên kết. Sản xuất thanh long an toàn, có chứng nhận chất lượng còn khiêm tốn (diện tích thanh long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên toàn tỉnh là 8.610 ha với 449 tổ liên kết và 9.625 hộ nông dân tham gia). Song song, sâu bệnh hại vẫn còn ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là bệnh đốm nâu, dẫn đến nông dân phải sử dụng các biện pháp phòng trừ bằng thuốc hóa học, làm chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. Ngoài ra việc giám sát, kiểm tra, đánh giá và cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói còn hạn chế.
Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, trước tháng 7/2022, thanh long là mặt hàng chủ lực của ngành rau quả Việt Nam. Nhưng từ năm 2022 trở lại đây, thanh long đã chính thức rời khỏi nhóm những mặt hàng tỷ đô của Việt Nam với khả năng quay lại rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân đáng lo ngại là mới đây Trung Quốc công bố đã đạt diện tích thanh long là 67.000 ha với sản lượng 1.600 tấn (hơn Việt Nam 200.000 tấn). Phía Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển mở rộng, tập trung ở các tỉnh giáp với Việt Nam như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam nên việc xuất khẩu qua thị trường này gặp rất nhiều thách thức.
Cộng thêm sự khó khăn trong giao hàng tại các cửa khẩu trong năm 2022 dẫn đến sụt giảm chất lượng, chi phí logistics cao nên thanh long Việt Nam khó tiếp cận được người tiêu dùng Trung Quốc như trước… Cùng với đó, ông Đặng Phúc Nguyên còn nêu lên hàng loạt các thách thức từ vùng trồng trọt, công nghệ bảo quản, chế biến. Đơn cử như nhiều nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu quá mức quy định, không đáp ứng nhu cầu an toàn về thực phẩm theo các điều kiện xuất khẩu. Ngoài ra, công nghệ bảo quản thanh long tươi còn hạn chế, chưa thể đạt được ít nhất 60 ngày nên khó xuất khẩu bằng tàu container đi các thị trường xa, đa số phải đi bằng máy bay, cước phí cao, khó tiêu thụ nhiều.