Theo dõi trên

Tìm “lối ra” cho thanh long Bình Thuận. Bài 2

28/09/2023, 05:30

Bài 2: Giải pháp nào cho thanh long phát triển bền vững?

Thực tế những khó khăn, thách thức đang diễn ra đối với ngành hàng thanh long đòi hỏi các cấp ngành, địa phương và đơn vị chuyên môn đề ra các giải pháp, định hướng phát triển thanh long trong thời gian tới. Đây cũng là mục đích và là mong muốn đạt được tại diễn đàn “Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững” do Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận phối hợp Hội làm vườn và Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa diễn ra tại TP. Phan Thiết cuối tuần qua.

Cần sự liên kết chặt chẽ

Với mong muốn tìm được lời giải về “lối ra” mới cho thanh long Bình Thuận trước những khó khăn, thách thức hiện tại, nhiều hợp tác xã, nông dân trồng thanh long trong tỉnh đã đến tham dự diễn đàn. Bà Hồ Thị Bạch Hoàng - Giám đốc HTX Thanh long Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) kỳ vọng sẽ có đầu ra ổn định cho mặt hàng này. Đồng thời cho biết, người trồng thanh long rất cần sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất thanh long trong tỉnh. Trong đó, các doanh nghiệp lớn cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác quy mô nhỏ phát triển bền vững hơn, nông dân trồng thanh long sẽ yên tâm sản xuất.

z4727524116030_dc2831215a8c8bad429ea37fd0d75e12.jpg
Viên năng lượng, tinh dầu chăm sóc da được làm từ hạt thanh long tại Bình Thuận.

Tại diễn đàn này, đại diện Cục Trồng trọt nêu thực tế, mặc dù đến nay thanh long Bình Thuận đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, nhưng khó khăn là phần lớn sản xuất với quy mô, diện tích nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết. Trong khi đó, yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng tăng… Chính vì vậy, một trong những giải pháp phát triển bền vững là các địa phương tiếp tục hỗ trợ xây dựng, củng cố các tổ chức, hợp tác xã, tổ hợp tác. Hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất an toàn, sản xuất có chứng nhận; tiếp tục tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến như quy trình rải vụ thanh long, quản lý sâu bệnh… Để giữ vững thị phần, chúng ta không nên mở rộng thêm diện tích trồng mới, ngược lại có thể phối hợp đơn vị chuyên môn nghiên cứu thu hẹp một số vùng trồng không hiệu quả để chuyển sang trồng các cây khác hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể nghiên cứu sử dụng thanh long trong sản xuất mỹ phẩm…

z4717016966959_7b8018ea71b66c6ff9c84c8eea2d0cdb.jpg
Ông Phan Văn Tấn phát biểu tại diễn đàn.

Cùng nêu quan điểm và đề xuất giải pháp tại diễn đàn, theo ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Để ngành hàng thanh long tiếp tục phát triển bền vững, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cho cho doanh nghiệp, nông dân để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc… Mặt khác, về phía nông dân trồng thanh long nên bình tĩnh, thực hiện đúng quy định của thị trường nhập khẩu, chắc chắn sẽ giữ vững được thị trường. Bà con cần tập trung chăm sóc những vườn thanh long hiện có để làm sao sản xuất thanh long chất lượng tốt hơn, có thể cạnh tranh với thanh long các nước, cần tạo ra sự khác biệt mới thành công. Bên cạnh, về các yếu tố khác như giống, quy trình chăm sóc, các cơ quan chuyên môn nên tập trung nghiên cứu để tạo ra những giống mới, có khả năng chất lượng cao bên cạnh các giống hiện có…

cac-loai-trai-cay-duoc-trong-o-bac-binh-anh-n.-lan-.jpg
Sản phẩm thanh long VietGAP Bình Thuận được trưng bày, quảng bá.

Tập trung nâng cao chất lượng, giảm chi phí đầu tư

Đóng góp ý kiến về tiềm năng và giải pháp phát triển thị trường thanh long thời gian tới, ông Huỳnh Cảnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận nêu vấn đề, để thích nghi thị trường, đòi hỏi người trồng phải thay đổi tư duy sản xuất, tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ trước để đáp ứng. Ông Cảnh đề xuất nâng dần diện tích thanh long VietGAP lên GlobalGAP để mở rộng thị trường xuất khẩu. Để làm được điều này đòi hỏi chi phí không nhỏ, nên Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh mong muốn được Nhà nước, nhà khoa học hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp một phần chi phí về giống mới thanh long, chi phí logistics. Đồng thời cho rằng, hiện nay thanh long Bình Thuận đã được UBND tỉnh xác định là 1 trong 4 mặt hàng chiến lược của tỉnh, được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là cây trồng đặc sản đứng đầu trong 11 loại trái cây trong chiến lược phát triển rau hoa, quả Việt Nam. Trong tháng 5/2023 Bình Thuận vinh dự được đón nhận bằng Kỷ lục châu Á đối với đặc sản thanh long. Đặc biệt, với đặc trưng riêng về đất, khí hậu, tỉnh đã và đang tạo ra chất lượng thanh long ngon nhất châu Á. Để phát triển thị trường thanh long bền vững, nông dân cần nâng chất lượng GAP và tăng cường quảng bá tính đặc trưng của thanh long Bình Thuận..

Một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra từ Viện Cây ăn quả miền Nam, hiện nay trước sự gia tăng nguồn cung hàng hóa tại thị trường nội địa Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ trái thanh long chính vụ của Việt Nam. Do đó cần thúc đẩy thay đổi và hướng đến tư duy kinh tế nông nghiệp, có cơ chế hợp tác giữa 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang trong điều tiết mùa vụ, kết hợp liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh và các địa phương có cùng ngành hàng, khắc phục tình trạng "sản lượng vừa thiếu, vừa thừa" và xác định "bán sản phẩm mà thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mình có". Đặt yếu tố doanh nghiệp là đầu tàu, dẫn dắt sản xuất, từ đó tập trung xây dựng mối liên kết chuỗi chặt chẽ và bền vững. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng ký kết không chỉ bao tiêu sản phẩm mà còn đầu tư vào vùng nguyên liệu.

Về phía người trồng thanh long, cần chú trọng chọn lọc nhân giống chất lượng tốt và giống mới phù hợp để thay thế giống cũ. Cần duy trì, tăng cường mở rộng áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo định hướng mục tiêu liên kết với doanh nghiệp. Đây là bài toán cơ bản giải quyết các vấn đề về sản xuất manh mún, thiếu liên kết truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Qua đó đáp ứng hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu hàng hóa. Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, giải pháp cần triển khai là cơ cấu lại chi phí đầu vào hợp lý nhằm giảm chi phí sản xuất, ổn định thu nhập và nâng tính cạnh tranh hàng hóa. Khuyến khích nhà vườn canh tác thanh long theo hướng khai thác đa giá trị phù hợp với điều kiện của địa phương, giải thiểu tối đa rủi ro và tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Tại diễn đàn, ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cũng đề ra giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững, đó là tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, nâng cao chất lượng và giảm chi phí đầu tư… Cùng với đó, quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định…

Tất cả các giải pháp được đưa ra với kỳ vọng sớm tìm “lối ra” cho thanh long Bình Thuận phát triển bền vững, hiện thực hóa mơ ước đưa trái thanh long Bình Thuận trở thành sản phẩm thanh long ngon nhất thế giới, mang đặc trưng của vị ngọt, thanh từ vùng nắng gió mà không nơi nào có được...

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long phát triển bền vững
Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận vừa có buổi làm việc với Cơ quan phía Nam – Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam về việc phối hợp tổ chức Diễn đàn “Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm “lối ra” cho thanh long Bình Thuận. Bài 2