Nhiều chức quan mới được đặt thêm, trong lúc không ít những chức quan cũ bị bãi bỏ. Có những chức quan tồn tại rất nhiều đời nhưng địa vị, quyền hạn thì không ngừng thay đổi” (Theo PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử học).
Đọc, học lịch sử, văn học, đọc những tác phẩm có nhắc đến các quan lại thời xưa, người đọc, người học sẽ gặp những chức vụ của các quan lại trong triều, hoặc ở các địa phương theo tên gọi của từng thời gian ấy.
Các chức quan, chức vụ ấy gắn với nhiều thế hệ cha ông chúng ta ở rất nhiều đời, thời phong kiến, gần gũi với cha ông ta ngày xưa; nhưng lại hơi khó hiểu đối với thời chúng ta sống ngày nay. Điều ấy là do những chức quan ấy của một thời, được gọi theo âm Hán Việt, được ghi bằng chữ Hán. Còn ngày nay, người Việt chúng ta viết bằng chữ Quốc ngữ trong các nhà trường, các cơ quan hành chính nhà nước, các quan hệ, giao dịch bằng văn bản ngoài xã hội. Sách, báo, tài liệu, các công trình nghiên cứu, được viết, in bằng chữ Quốc ngữ là chính, bên cạnh các tài liệu, sách, báo ngoại văn.
2. Cuốn “Từ điển chức quan Việt Nam” giúp chúng ta phần nào giải quyết những thắc mắc: Chức vụ ấy ngày xưa, thời phong kiến gọi tên như vậy, thì làm những việc gì.
“Từ điển chức quan Việt Nam” là công trình biên soạn của PGS.TS Đỗ Văn Ninh, nguyên Viện Phó Viện Sử học, Nhà Xuất bản Thông Tấn liên kết cùng Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam xuất bản năm 2019. Tập sách gồm 1.932 mục từ, với 675 trang, khổ 17x25cm. Từ sự giải thích ở những mục từ, bạn đọc sẽ phần nào tìm được những giải đáp cho những chức vụ ngày xưa của cha ông. PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, trong lời giới thiệu về từ điển, đã viết: “Xuất bản công trình này, chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một cuốn sách công cụ cần có với mọi người. Chúng tôi xin mượn công trình này làm thư trả lời bạn yêu lịch sử bốn phương đã từng gởi tới chúng tôi những câu hỏi về quan chức”.
3. Xin được lược trích một phần của một số mục từ được giải thích trong tập sách:
- Mục từ Án sát: “Ở những tỉnh nhỏ chỉ có Tuần Vũ thì án sát giữ vị trí Tỉnh phó giữ việc hình”.
- Mục từ Bang tá: “Chức quan thời Nguyễn, giữ việc trật tự an ninh. Lúc đầu chỉ đặt ở cấp tổng. Sau 1930, thực dân Pháp đặt thêm ở một số xã ở Trung kỳ”.
- Mục từ Bố chính sứ: “Chức quan coi việc hộ của một tỉnh”.
- Mục từ Chú tạo đại sứ: “Chức quan coi việc đúc tiền”.
- Mục từ Dinh Điền sứ: “Chức quan coi việc khai hoang, lập ấp. Nguyễn Công Trứ là Dinh Điền sứ coi việc khai khẩn 2 huyện Kim Sơn, Tiền Hải”.
- Mục từ Điện tiền chỉ huy sứ: “Chức võ quan, chỉ huy quân Điện tiền” (nhiệm vụ bảo vệ trong Cấm Thành).
- Mục từ Giám tu: “Viên quan trông coi tu tạo, xây dựng cung điện thời Nguyễn”.
- Mục từ Hình Bộ hữu tham tri: “Chức quan đứng hàng thứ hai trong bộ Hình thời Nguyễn”.
- Mục từ Lãnh binh: “Chức võ quan nắm quân đội cấp tỉnh thời Nguyễn”.
- Mục từ Quốc sử quán: “Chuyên biên soạn quốc sử. Đổi thành tên này từ thời Nguyễn. Có một đại thần do vua phái đến trông coi”.
Bạn đọc, học sinh, sinh viên, những người yêu thích lịch sử, có thể tìm được ở “Từ điển chức quan Việt Nam” nhiều mục từ giải thích được phần nào những thắc mắc về những chức quan ngày xưa. Song, có những mục từ, sự giải thích của tác giả từ điển vẫn chưa thật rõ, chưa thật tường tận. Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi ở các thời khác nhau, với các thể chế hoàn toàn khác, thì các công việc, chức vụ riêng biệt nhau là tất yếu.