Theo dõi trên

Trăn trở làng nghề bánh tráng Chợ Lầu

02/08/2016, 09:25

BT- Là người Bình Thuận, nói đến bánh tráng Chợ Lầu, không ai là không biết. Bởi sự tồn tại khá lâu đời của nghề tráng bánh tráng nơi đây, cũng như hương vị đặc biệt của những chiếc bánh vốn không thể lẫn lộn với bánh tráng ở những vùng khác…

Đôi nét về làng nghề

Ít ai biết rằng làng nghề bánh tráng ở Xuân An - thị trấn Chợ Lầu (Bắc Bình) đã hình thành và tồn tại hơn nửa thế kỷ. Từ vài lò bánh tráng xưa kia, đến nay Chợ Lầu có gần 60 lò bánh tráng lớn nhỏ, tập trung nhiều ở khu phố Xuân An 1. Nhiều gia đình ở Chợ Lầu có 2 - 3 thế hệ gắn bó với nghề. Gia đình ông Trường Ngọc ở khu phố Xuân An 2 là gia đình có 3 đời làm nghề tráng bánh. Theo ông Ngọc, hương vị thơm ngon của những chiếc bánh tráng nơi đây luôn song hành với những vất vả và sự chịu thương chịu khó của người nông dân. Học được nghề tráng bánh, làm ra được những chiếc bánh ngon cũng không hề đơn giản. Trước tiên phải học phơi bánh, gỡ bánh, rồi tráng bánh và khó nhất là công đoạn pha chế bột. Bí quyết làm nên những chiếc bánh thơm ngon chính là ở đây…

Bánh tráng Chợ Lầu có nhiều loại và nhiều kích cỡ, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Có loại chuyên dùng trong các dịp lễ tết, có loại dùng trong bữa ăn thông thường hàng ngày. Đặc biệt là những “biến tấu” của bánh tráng, đó là bánh ướt hành mỡ, bánh tráng cuốn chả giòn, bánh tráng nướng tương, bánh tráng nướng ăn với mắm ruốc, bánh tráng cuốn cá hấp, cuốn thịt heo luộc ăn với mắm nêm, bánh tráng cuốn măng… Loại nào cũng thơm ngon độc đáo, ăn qua một lần thì khó quên hương vị của nó…

Có lẽ nét độc đáo nhất của nghề bánh tráng ở đây là nghệ thuật nướng bánh, những chiếc bánh tráng dày khô thì phẳng phiu, nhưng khi được nướng lên thì có hình chiếc yên ngựa, khi xếp chồng nhiều cái bánh lên nhau thì vừa khít, không bị bể khi vận chuyển đi xa. Không nhiều người có được kỹ năng này, và họ được xem như những nghệ nhân nướng bánh.

Ngày làm việc của một lò bánh thường bắt đầu từ 3 giờ khuya và kết thúc trước 3 giờ chiều. Mỗi lò bánh tráng giải quyết việc làm cho khoảng 5 người, mức thu nhập hàng ngày tạm gọi là đủ sống ở vùng nông thôn…

 Tìm một hướng đi cho làng nghề

Theo chị Bùi Thị Trinh Đào ở Phan Rí Thành, người đã có thâm niên vài chục năm trong nghề buôn bánh tráng cho biết: Bánh tráng Chợ Lầu hiện nay không chỉ tiêu thụ ở Bắc Bình, Tuy Phong mà đã vươn ra thị trường Ninh Thuận, Khánh Hòa, vào Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây bánh tráng Chợ Lầu có thêm một “đối thủ” cạnh tranh khá gay gắt, đó là bánh tráng máy ở Phan Thiết. Được biết, bánh tráng Chợ Lầu hiện nay vẫn làm bằng phương pháp thủ công với quy mô gia đình, nên nhiều chi phí đẩy giá thành tạo ra bánh lên cao. Trong khi đó bánh tráng loại mỏng ở Phan Thiết được sản xuất trên một dây chuyền công nghệ khá hiện đại với chi phí đầu tư lớn. Bánh được làm ra nhanh với số lượng nhiều, hình thức khá đẹp, giá cả “mềm” hơn, đang được thị trường chấp nhận và trở thành một “đối thủ” cạnh tranh của bánh tráng Chợ Lầu.

Được biết, UBND tỉnh đã công nhận làng nghề bánh tráng Chợ Lầu  là một làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Và vừa qua, huyện Bắc Bình đã tổ chức cuộc thi sáng tác logo cho thương hiệu bánh tráng Chợ Lầu. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi dự án xây dựng và phát triển làng nghề của địa phương sẽ được phê duyệt trong thời gian đến. Để bánh tráng Chợ Lầu có thể đàng hoàng tham gia một “sân chơi” lành mạnh trên thị trường, cần có sự nỗ lực phối hợp của các ban ngành và sự quan tâm của chính quyền các cấp. Trước tiên phải có sự khảo sát, tạo điều kiện cho những hộ gia đình có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng và phát triển sản xuất. Song song đó, mở ra hướng sản xuất mới phục vụ cho nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng, chẳng hạn như phục vụ khách du lịch, làm bánh tráng xuất khẩu…

Với nguồn nguyên liệu tại chỗ, lực lượng lao động dồi dào và kinh nghiệm làm bánh tráng trải qua nhiều thế hệ, nếu được sự quan tâm đúng mức của chính quyền và các cấp ngành, tin chắc rằng làng nghề truyền thống bánh tráng Chợ Lầu sẽ phát triển trong tương lai không xa.

LÂM VĨNH



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăn trở làng nghề bánh tráng Chợ Lầu