Khi cậu bé tầm 5 tuổi lí nhí tiếng “xin lỗi” và tự động chạy vào nhà bóng để chơi lại cùng đám bạn, thì đa số trong số ấy tỏ phản ứng: “Nó còn nhỏ mà, có biết gì đâu, mày hung dữ quá”. Chỉ rất ít là đồng tình với cách xử lý của người mẹ.
Có một đứa con xinh xắn, khỏe mạnh luôn là niềm tự hào của bất kỳ ông bố bà mẹ nào. “Trẻ con thì biết gì” vẫn thường là một lời bao biện, bào chữa cho hành vi xấu của con. Trong mắt những cha mẹ này, chỉ khi làm hại người khác, đập phá đồ đạc... gây hậu quả nghiêm trọng mới phải chịu trách nhiệm, còn những việc lặt vặt là sự cố không may.
Lẽ đương nhiên, đến từng nấc tuổi cố định sẽ biết đi, biết nói rồi tò mò khám phá xung quanh. Thả con ra là thả để chúng lớn lên theo quy luật tự nhiên ấy. Nhưng liệu vậy có ổn, nếu không có khuôn khổ, bàn tay định hướng của cha mẹ. Trong nhóm ủng hộ dạy con theo cách nghiêm khắc của bạn, tôi nghe được một đoạn lý luận rất tâm đắc từ một người mẹ tầm ngoài tuổi 30, dáng mảnh khảnh, ăn vận đơn giản. Chị bảo, con người khi sinh ra, khả năng duy nhất có được là mút, để mút sữa, uống nước. Mọi thứ khác đều phải học. Cứ nhìn mấy cây cảnh ấy, muốn nên hình, thành dáng chẳng phải tự thân nó sinh ra đã vậy, mà ngay từ khi còn là cái thân bé xíu, người nghệ nhân phải buộc thép, thậm chí ngắt ngọn, bẻ cong ra rồi. Còn mấy đứa nhỏ, tầm này tuổi đã biết chọn quần áo để mặc, đồ chơi nào đẹp để mua, để chơi. Nhận thức được như vậy thì càng phải dạy để phát huy nhận thức chứ sao. Với con, chị rất rõ ràng: cái gì được làm, cái gì cấm làm và cái gì phải làm.
Liền sau, chị kể câu chuyện quán cà phê D.H (ở TP. Đà Nẵng) mới đây thông báo không nhận phục vụ khách trẻ em dưới 12 tuổi. Nguyên nhân được quán này đưa ra vì quán không có không gian riêng dành cho trẻ em vui chơi. Quán sợ tiếng ré, tiếng khóc của trẻ làm ảnh hưởng đến những vị khách đến thư giãn, trò chuyện, làm việc và đọc sách.
Quay trở lại hành vi của đứa trẻ 5 tuổi về hành động gõ ly cà phê vừa nãy, không chỉ gây ồn ào, ảnh hưởng mọi người xung quanh mà không may ly vỡ, văng trúng thì người tổn thương đầu tiên là đứa trẻ. Có phải sự bao che, đổ lỗi cho tuổi tác đã khiến trẻ dần hình thành sự “miễn dịch” với những lỗi lầm của mình.
Những câu chuyện tranh luận và cả sự nghiêm khắc của người mẹ trẻ cho tôi nhận ra một sự thật là không phải đứa trẻ nào cũng được sinh ra khi cha mẹ chúng đã trưởng thành, đã sẵn sàng tâm thế, kiến thức để làm cha mẹ và cũng không có cha mẹ nào thực sự hoàn hảo. “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” - bài vè thuở xưa tưởng ngược ngạo, nhưng ngẫm lại rất có lý.