Theo đó, yêu cầu người dân không vay qua App không rõ nguồn gốc, không được nhân danh hoặc cung cấp số điện thoại cơ quan, doanh nghiệp, đồng nghiệp để vay tiền. Đồng thời, đưa ra các hướng xử lý tình huống, nếu bị đối tượng cho vay tín dụng đen gọi điện, nhắn tin “khủng bố”. Thứ nhất, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà đối tượng đề cập; hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và đề nghị cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm, lưu tin nhắn để làm bằng chứng). Thứ hai, kịp thời thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin làm phiền liên quan nội dung trên. Thứ ba, trường hợp bị làm phiền kéo dài, đến mức bị “khủng bố” thì người dân đến cơ quan công an gần nhất trình báo để có biện pháp xử lý kịp thời. Thứ tư, tuyệt đối không cung cấp thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…
Được biết, gần đây tình trạng vay tiền qua App rất phổ biến. Nhiều trường hợp không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không quen biết với người vay mượn tiền nhưng lại bị các đối tượng đòi nợ “khủng bố” bằng điện thoại, tin nhắn hoặc bị bôi xấu trên các trang mạng xã hội. Mặt khác, do thủ tục vay tiền qua App hết sức đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp thông tin CMND/CCCD, địa chỉ, số điện thoại là có thể vay được tiền, sau đó không trả đúng hạn nên bị đối tượng sử dụng thông tin về mối quan hệ của người vay để đòi nợ. Đây cũng là thủ đoạn mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để tác động, tuyên truyền, lôi kéo công nhân vào các hoạt động đình công, lãn công, biểu tình gây phức tạp tình hình an ninh trật tự địa phương.