Theo dõi trên

Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống

22/03/2024, 05:15

Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, những năm qua cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã luôn chú trọng triển khai thực hiện công tác này. Qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch - vững mạnh.

Điển hình trong việc thực hiện

Đến Đức Linh những ngày này, cảm nhận rất rõ không khí sôi nổi thi đua lao động và học tập để làm cho quê hương ngày phát triển và đổi mới. Trên những cánh đồng, người nông dân tích cực chăm sóc, thu hoạch rau màu; trong những công xưởng công nhân làm việc hăng say; tại công sở từ cấp huyện đến cấp xã, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ được thực hiện nghiêm túc… Tất cả những điều đó góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để Đức Linh bứt phá vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.

trang-66-67-1-dc-nguyen-van-huy.-hoi-thao-giao-trinh-giang-day-lich-su.jpg

Kết quả trên bắt nguồn từ việc, Đảng bộ huyện Đức Linh đã chú trọng trong việc nghiên cứu, biên soạn và có nhiều cách làm đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng trên địa bàn huyện. Để từ đó, mỗi người dân thêm tự hào về quê hương, để cùng chung sức chung lòng đưa quê hương Đức Linh ngày càng phát triển.

Theo Đảng bộ huyện, đến thời điểm này đã có 10/12 xã, thị trấn đủ điều kiện biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ. Các ấn phẩm trước khi xuất bản đều được thẩm định chu đáo đúng quy trình; nội dung, hình thức bảo đảm chất lượng. Sau khi phát hành, các cuốn lịch sử đã được phân bổ về cho các cơ sở, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cán bộ lão thành cách mạng... phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu, học tập... Nhiều đảng bộ xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đúc kết kinh nghiệm biên soạn lịch sử, học hỏi, chọn lọc và áp dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng ở các địa phương hiệu quả hơn; giúp cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, các cấp ủy Đảng trong huyện tiếp tục chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú như: Tích hợp vào tài liệu giáo dục địa phương, qua các cuộc thi tìm hiểu, các hoạt động về nguồn, tổ chức tọa đàm, tuyên truyền trực quan, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nói chuyện về truyền thống cách mạng… Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo đưa lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy cho học sinh khối lớp 5 và học sinh THCS trên địa bàn huyện từ học kỳ I năm học 2023-2024. Những tiết học về lịch sử Đức Linh trong công cuộc đấu tranh cách mạng và bảo vệ, xây dựng quê hương sau ngày đất nước thống nhất, cùng với những buổi trải nghiệm thực tế “về nguồn”, bước đầu đã giúp học sinh hiểu và tự hào về con người, mảnh đất - nơi mình sinh ra và lớn lên. Từ đó, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, nhân cách sống và ý chí vươn lên của thế hệ trẻ trong huyện, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để các em phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện, quyết tâm xây dựng quê hương Đức Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đa dạng các hình thức

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, tại Thị ủy La Gi, thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cũng được địa phương này quan tâm thường xuyên. Thị ủy đã chỉ đạo đưa nội dung lịch sử địa phương vào trong chương trình giảng dạy của Trung tâm Chính trị thị xã, các trường trung học phổ thông và lồng ghép trong sinh hoạt chi bộ. Hàng năm, nhân Ngày giải phóng quê hương Hàm Tân – La Gi (23/4), các ngày lễ lớn và các ngày truyền thống, ngày thành lập của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, Thị ủy La Gi đều lãnh đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm nhằm giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng bằng nhiều hình thức đa dạng. Đó là, tổ chức trưng bày về sách lịch sử Đảng bộ và các tác phẩm về hình ảnh truyền thống địa phương; tổ chức hội thi “Em yêu lịch sử” trong hệ thống trường học; tổ chức các buổi “Nói chuyện lịch sử truyền thống”, tổ chức cho cán bộ lãnh đạo, công chức đến viếng và dâng hoa tại Khu di tích lịch sử cách mạng Dốc Ông Bằng, sinh hoạt dã ngoại tại các di tích “Địa chỉ đỏ” của địa phương, Khu căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy, hoạt động ngoại khóa về chủ đề lịch sử địa phương, Hội trại truyền thống… Đồng thời, chỉ đạo đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống.

z5270445741910_9aa12e75bee5e64927c876c223136b02.jpg

Thị xã La Gi cũng đã xuất bản nhiều công trình, ấn phẩm nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Các di tích lịch sử, cách mạng, bia ghi danh trên địa bàn thị xã luôn được giữ gìn, tôn tạo và phát huy, trở thành “Địa chỉ đỏ” về nguồn trong sinh hoạt tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng, lịch sử truyền thống địa phương. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thị ủy chỉ đạo tuyên truyền, hưởng ứng và tham gia các Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin - Tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng bộ địa phương tỉnh Bình Thuận đảm bảo đầy đủ, kịp thời; phát động tham gia Cuộc thi: “Tìm hiểu về truyền thống lịch sử 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Bình Thuận” trên địa bàn thị xã...

Có thể nói, việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị xã; đồng thời nắm bắt được tiến trình lịch sử cách mạng của Đảng bộ qua các thời kỳ; tự hào về truyền thống của các thế hệ cha, anh đã đổ biết bao xương máu để bảo vệ quê hương, đất nước; ghi nhận công lao, tôn vinh những người có công với quê hương, đất nước. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao ý chí, tình cảm cách mạng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở địa phương.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2024 sâu rộng, toàn diện
UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị tổng kết giao ước thi đua năm 2023 và phát động phong trào thi đua năm 2024. Dự hội nghị có Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đoàn Anh Dũng; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cá nhân, tập thể được khen thưởng.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống