Ở giữa cộng đồng, xã hội, thực tế chúng ta vẫn có những hoạt động, việc làm mang tính ủng hộ. Người dân ở địa phương có thể ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Tiếp bước cho trẻ em đến trường. Công ty, đơn vị cũng có thể ủng hộ bà con nghèo, người khuyết tật có khó khăn trong cuộc sống, người già yếu neo đơn ở các địa phương vào dịp Tết Nguyên đán, các dịp lễ lớn… Hay ở cơ quan, có người đưa ra ý tưởng về cải tiến cách làm việc, ý tưởng ấy hay, được anh em trong cơ quan, và lãnh đạo cơ quan ủng hộ, đồng tình; từ ấy, đưa vào triển khai. Cùng rất nhiều tình huống khác mà có biết bao việc làm mang tính ủng hộ.
2. Từ “ủng hộ” dùng trong đời sống ngày nay, ngoài nghĩa thông thường được nêu trên, nay đã có những ý nghĩa bổ sung trong ngữ cảnh khác.
Ra chợ, các hàng quán, người đi mua hàng thỉnh thoảng nghe các câu mời chào. Chị bán bánh hỏi: “Anh ăn ủng hộ em đi anh!”. Em bán trà tắc: “Chú mua ủng hộ con một ly đi chú!”. Cô bán hàng hải sản: “Chị mua ủng hộ em đi chị, em bán rẻ cho chị!”. Cùng những lời mời chào mua của khá nhiều người bán các mặt hàng khác.
Lắng nghe những lời mời chào ấy, người mua thấy được rằng: Thay vì mua giúp em/cháu, thì từ giúp đã được thay bằng từ ủng hộ.
Từ ủng hộ, bản thân trong đó, đã có bao hàm một ý giúp đỡ. Song, ngày nay, người chào mời khi bán hàng lại thường sử dụng từ ủng hộ hơn.
Từ dùng trong đời sống hàng ngày đã có sự thay đổi theo thời gian, mới mẻ, uyển chuyển hơn. Có thể, điều ấy bắt đầu từ một người, những người khác nghe thấy phù hợp với mình trong việc mua bán hàng ngày, lại dùng. Việc ấy được lặp đi lặp lại, từ người này, sang người khác, mang tính rộng rãi, và dần trở nên thông dụng.