Theo đó, nội dung công điện yêu cầu các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đánh bắt hải sản phù hợp. Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu, tai nạn, sự cố xảy ra; không lơ là, chủ quan.
Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát các khu vực bị sạt lở ven biển, nhất là các khu dân cư, làng nghề truyền thống, khu du lịch ven biển để chủ động sơ tán người, khách du lịch và tài sản đến nơi an toàn. Kiểm tra các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển để chủ động ứng phó, chằng buộc an toàn.
Nội dung công điện cũng đề nghị Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các địa phương ven biển gồm Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết theo dõi, tổ chức kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, phương tiện vận tải, báo cáo số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải đang hoạt động trên biển.
Ngoài ra Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra an toàn các hồ thủy điện, thủy lợi, công trình đang xây dựng; theo dõi tình hình mưa, lũ để tổ chức vận hành đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du…
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào 16 giờ ngày 5/5, ATNĐ đã đi vào biển Đông. Vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 500 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo 16 giờ ngày 6/5, ATNĐ di chuyển hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 5 -10 km/h. Cường độ gió cấp 6, giật cấp 8.