Được sự ưu đãi của lịch sử và thiên nhiên, Bình Thuận có nhiều lợi thế so sánh về du lịch và hoạt động du lịch đang trên đà tăng trưởng. Từ một tỉnh hầu như không có cơ sở vật chất tạo dựng cho ngành du lịch, sau hiện tượng nhật thực toàn phần ở Phan Thiết (năm 1995), mảnh đất này được khám phá và từ đó suốt dọc 192 km bờ biển của tỉnh luôn được các nhà đầu tư du lịch ưu ái. Đến nay, Bình Thuận đã được cả nước và du khách nước ngoài biết đến qua nhiều bãi tắm sạch, đẹp và hoang sơ, nhiều đền, tháp cổ kính với các di sản văn hóa đặc sắc. Nghị quyết 06 ngày 24/10/2021 của của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh, đồng thời nêu quan điểm “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc”.
Từ thực tế đó, thiết nghĩ “văn hóa du lịch” phải được nghiên cứu như là một định hướng quan trọng mang tính chiến lược để gìn giữ, khai thác, phát huy mọi giá trị văn hóa đồng thời như là một nguồn tài nguyên quan trọng hàng đầu của du lịch, qua đó tìm ra những yếu tố tạo nên sức thu hút du khách, khắc phục nguyên nhân làm suy giảm tính hấp dẫn của du lịch, tìm ra biện pháp để phát triển du lịch văn hóa Bình Thuận nhằm mang lại lợi ích không chỉ về kinh tế – xã hội trước mắt mà còn cho cả những chiến lược phát triển lâu dài của địa phương.
Thực tế, nhiều người cho rằng “văn hóa du lịch và du lịch văn hóa” đơn giản chỉ là sự “duy trì tăng trưởng về du lịch và văn hóa” và mục tiêu này cần được ưu tiên trong chính sách phát triển du lịch. Song, điều có ý nghĩa đối với du lịch không đơn giản là việc phải đạt được những chỉ tiêu về số lượng du khách, công suất buồng, doanh thu… mà còn cần phải đạt được những điều kiện lớn hơn về giá trị văn hóa tinh thần mà tài nguyên du lịch mang đến cho du khách. Trong điều kiện hiện nay của Bình Thuận, hoạt động du lịch phải luôn đứng trước thách thức đó để theo đuổi mục tiêu phát triển du lịch văn hóa với đúng ý nghĩa của nó. Điều này liên quan đến những giới hạn về sự được phép, không được phép, hoặc được phép từng phần đối với hoạt động du lịch của địa phương. Các chỉ tiêu này được xác lập trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề về tài nguyên, môi trường, chỉ số xã hội và về sức tải của không gian hoạt động du lịch. Tài nguyên, môi trường ở đây không được hiểu đơn thuần về mặt tự nhiên mà còn mang tính văn hóa, xã hội. Chính những giá trị văn hóa mang lại những điều hấp dẫn cho du khách thông qua nền văn hóa truyền thống và di sản văn hóa - lịch sử, qua sự tiếp xúc thân mật và cởi mở mà cộng đồng địa phương dành cho du khách. Chính những di sản văn hóa - lịch sử, những phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống cùng môi trường văn hóa và cách ứng xử của cộng đồng là một phần quan trọng của sản phẩm du lịch và được nhìn nhận là tài nguyên du lịch có giá trị bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên.
Phát triển du lịch văn hóa theo đúng nghĩa sẽ dành được sự ủng hộ của cộng đồng địa phương bởi trực tiếp đem lại công ăn việc làm và lợi ích kinh tế, văn hóa cho họ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thuận lợi mà chúng ta có được, ngành du lịch cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia và các công ty du lịch thế giới. Đó là sự biến động về tài chính, năng lượng, các cuộc xung đột sắc tộc, khủng bố và dịch bệnh… Xu hướng du lịch trong thời kỳ hội nhập là du khách muốn thực sự thưởng thức những gì mà một tour du lịch phải có là thiên nhiên, văn hóa – lịch sử, tiện nghi, dịch vụ hoàn hảo, chất lượng vệ sinh thật tốt, bảo vệ môi trường và an ninh chặt chẽ. Vì vậy, vấn đề quan trọng là giữ gìn bản sắc dân tộc, “hòa nhập” mà không bị “hòa tan” bởi văn hóa ngoại lai trong sự phát triển du lịch (thực tế đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa). Vấn đề phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường du lịch, xem du lịch là ngành kinh tế đặc thù, ngành xuất khẩu tại chỗ và ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, có thể coi là “phần cứng” của ngành du lịch như khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, giao thông, thông tin liên lạc, làng nghề truyền thống... đồng thời còn phải chú ý đầu tư vào “phần mềm”, đó là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, chú trọng tri thức căn bản, hiện đại và kỹ năng tác nghiệp chuẩn mực, tinh tế, đặc biệt là đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng và phát triển các nghệ nhân, tài năng văn hóa dân tộc. Sản phẩm du lịch văn hóa phải có chất lượng cao (hàm lượng giá trị văn hóa phong phú), giá cả hợp lý thì mới có thể tạo ra sức thu hút du khách, sức cạnh tranh. Bình Thuận là một tỉnh nhỏ song sẽ bị tác động tiêu cực từ sự ảnh hưởng bởi những biến động phức tạp nếu không có sự chuẩn bị về chiến lược phát triển du lịch. Do đó, vấn đề văn hóa du lịch và du lịch văn hóa với những giải pháp chủ yếu đặt ra trong lúc này là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung.
Bình Thuận đã và đang có kế hoạch khôi phục lại một số nghề truyền thống, phục dựng lại lễ hội dân gian, tôn tạo các khu di tích lịch sử – văn hóa, tổ chức những hoạt động du lịch cộng đồng, vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo môi trường văn hóa… Những động thái ấy bước đầu đã tạo cho Bình Thuận trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để Bình Thuận trở thành một tỉnh có thế mạnh thực sự về văn hóa, về du lịch thì việc phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa phải trở thành việc làm cấp bách để cho hôm nay và mai sau du khách trong nước và quốc tế dù đi đâu, về đâu vẫn luôn nhớ về Bình Thuận, một vùng đất tươi đẹp của Việt Nam.