Những ngày này ở các bến xe, ga tàu, lượng người từ Tp.HCM về quê ăn Tết không dồn dập, đông đúc như những năm trước so với thời điểm chưa có cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Thay vì trước đây, xuất phát từ Bình Thuận vào Tp.HCM phải mất 4 – 5 tiếng/ngày, với ngày lễ, tết kẹt xe còn kéo dài thời gian hơn, nay có cao tốc chỉ mất khoảng hơn 2 tiếng.
Người dân xa quê, chủ yếu làm ăn, sinh sống, học tập ở Tp.HCM có nhiều sự lựa chọn phương tiện đi lại về quê ăn Tết hơn. Nếu họ không đi xe giường nằm của các hãng xe thì có thể đi tàu, hoặc xe riêng gia đình, cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Duy, ở Phan Thiết cho biết, "Việc cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đưa vào hoạt động giúp cho người dân đi lại thuận tiện giữa Tp.HCM và Bình Thuận. Những năm trước con tôi ở Tp.HCM muốn về quê ăn Tết phải đặt vé xe rất sớm, nhưng nay thì không, chúng bảo nếu không mua được vé xe giường nằm đi cao tốc thì đi xe riêng về nhà, vì tuyến QL1A hiện thông thoáng dễ đi vì lượng phương tiện trọng tải lớn chuyển sang đi cao tốc”.
Nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên, người có kinh tế eo hẹp cũng đang chọn cách ấy bằng xe máy khi nghĩ QL1A không còn đông đúc phương tiện, giảm nguy cơ gây tai nạn cao như trước kia.
Hiện trên địa bàn Bình Thuận có rất nhiều hãng xe vận tải hành khách, hàng hóa cố định từ Bình Thuận vào Tp.HCM và ngược lại như Hãng xe Phương Trang, Nam Hải, Kumho, Hạnh Café, Tâm Hạnh, Trung Nga…đã và đang đảm bảo phục vụ tốt người dân, du khách không chỉ ngày thường mà còn dịp lễ, tết.
Theo các nhà xe, Tết Nguyên đán 2024, lượng khách từ TP.HCM về Bình Thuận, nhất là Phan Thiết có biến động. Trước đây khi chưa có đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thì họ đặt vé về từ rất sớm, nhưng năm nay rất ít. Ông Lê Anh Tuấn, nhân viên bán vé của một hãng xe trên địa bàn Phan Thiết cho biết, những năm trước vào khoảng đầu tháng 1, lượng khách Bình Thuận nói chung, Phan Thiết nói riêng ở TP.HCM đặt mua vé xe về quê ăn Tết gần như kín ghế, nhưng năm nay rất ít, chủ yếu khách ở các tỉnh phía ngoài miền Trung. Bình Thuận gần Tp.HCM thời gian đi lại rút ngắn hơn nên họ đặt vé trễ hoặc đi xe riêng…
Sự biến động này không riêng các hãng xe mà ngành vận tải đường sắt Bình Thuận cũng trong thực trạng. Ông Trần Văn Dũng – Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Bình Thuận chia sẻ, sự chuyển dịch hành khách đi tàu sang đi ô tô theo đường cao tốc là tất yếu, bởi thời gian đi tàu dài gấp đôi".
Điều đó để thấy lợi ích to lớn của cao tốc không chỉ mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng mà còn góp phần giảm bớt nỗi lo cho nhân dân trong việc đi lại giữa các tỉnh, thành, nhất là dịp lễ, tết.