Theo dõi trên

Xây dựng Đô thị thông minh tại Bình Thuận: Khẩn trương thôi!

15/03/2021, 09:33

BT- Xác định việc triển khai xây dựng đô thị thông minh là rất cần thiết, là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, phát triển và với mục tiêu phục vụ nhân dân rất rõ ràng, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện đề án xây dựng đô thị thông minh. Đến nay, đề án đã cơ bản hoàn thiện, các bước khởi động đã bắt đầu. Vấn đề còn lại là các ngành chức năng cần khẩn trương, quyết liệt, tập trung triển khai các bước tiếp theo đúng kế hoạch, lộ trình mà đề án đã vạch ra. Có như thế đô thị thông minh tại Bình Thuận mà người dân mong chờ mới sớm thành hiện thực. 

Xu thế tất yếu…

Hiện nay, quá nửa dân số thế giới đang sống tại các đô thị. Theo đánh giá dự báo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, 2/3 dân số toàn cầu và 64% dân số tại các nước châu Á sẽ tập trung sinh sống tại các đô thị. Vấn đề tập trung dân số sẽ đặt gánh nặng lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng hiện hữu của các đô thị vốn đã đạt đến hoặc vượt xa tuổi thọ thiết kế. Sự quá tải về kết cấu hạ tầng cũng kéo theo hàng loạt các vấn đề về môi trường, giao thông, y tế… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân trong khi nhu cầu của người dân ngày càng cao. Đối mặt với nhu cầu giải quyết các vấn đề về đô thị hóa, tăng dân số, việc ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ di động, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo... được coi như giải pháp tối ưu để giải quyết việc quản lý đô thị và phát triển kinh tế-xã hội, điển hình như những giải pháp giải quyết các vấn đề nóng của đô thị như giao thông, y tế...

Để triển khai giải pháp tối ưu này, bắt buộc phải xây dựng đô thị thông minh; bởi lẽ bản chất của đô thị thông minh là việc thu thập, kết nối và tận dụng thông tin dữ liệu để giúp cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền có thể ra quyết định một cách chính xác nhất. 

Rất cần thiết…

Đối với Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh đã xác định định hướng việc triển khai xây dựng đô thị thông minh là rất cần thiết, là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, phát triển, do vậy UBND tỉnh đã chính thức khởi động Đề án xây dựng đô thị thông minh từ nhiều năm trước. Việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh trong lãnh đạo, điều hành nhằm phục vụ tốt nhất cuộc sống của nhân dân và đưa Bình Thuận lên tầm cao mới. Tuy rằng hiện nay Bình Thuận chưa phải đối mặt với vấn đề liên quan đến tập trung dân số cao, nhưng việc xây dựng đô thị thông minh chính là cơ hội để tỉnh tận dụng khoa học công nghệ để không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt, mà còn nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với định hướng xây dựng Bình Thuận có đô thị hiện đại, đẳng cấp. Đô thị thông minh, với một hạ tầng dùng chung có thể được tận dụng tối đa giữa các lĩnh vực, sẽ cho phép sự chia sẻ đầy đủ về thông tin dữ liệu giữa các ngành, giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, đáp ứng và hỗ trợ các nhu cầu hiện nay của các đô thị trong tỉnh. Qua đó, người dân và doanh nghiệp của tỉnh sẽ đạt được nhiều lợi ích như: Thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin thời gian thực và tương tác với chính quyền trong các hoạt động của cuộc sống khi các dịch vụ công tích hợp giữa các cơ quan nhà nước và được cá nhân hóa. Người dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ các thông tin và công cụ tiện ích để thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và có thể theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ, yêu cầu, kiến nghị theo thời gian thực hiện; được cung cấp các dịch vụ chất lượng cao về du lịch, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường...

Đô thị thông minh sẽ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp giám sát và tham gia vào quá trình xây dựng đô thị, phát huy vai trò làm chủ của người dân, sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là với lĩnh vực du lịch. Đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các biện pháp cải cách hành chính hiệu quả, giảm thủ tục, hồ sơ giấy, tăng cường đăng ký kiểm tra, cấp phép giám sát điện tử, có sự phối hợp liên ngành và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt người dân, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp có thể sử dụng dữ liệu mở để cùng hợp tác xây dựng các giải pháp thông minh giúp giải quyết những vấn đề chung của toàn tỉnh… 

Cần khẩn trương hơn…

Có thể khẳng định, khi triển khai xây dựng đô thị thông minh, tỉnh đã xác định lấy người dân làm trọng tâm, theo đó nắm bắt, hiểu rõ nhu cầu của từng phân khúc đối tượng người dân và doanh nghiệp để tìm cách giải quyết các khó khăn họ gặp phải trong suốt quá trình tiếp cận, giao dịch với chính quyền. Đô thị thông minh sẽ tạo ra các không gian và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo cơ chế và kênh tương tác cho phép người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng đóng góp ý kiến cho chính quyền… trên cơ sở đó, chính quyền sử dụng công nghệ thông tin – truyền thông để thiết lập các kênh kết nối phù hợp với từng đối tượng người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi sử dụng các dịch vụ công của tỉnh; đồng thời cho phép họ nêu ý kiến, phản ánh các bức xúc, đối thoại với chính quyền và tham gia trong suốt quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Với mục tiêu phục vụ nhân dân rất rõ ràng, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện đề án xây dựng đô thị thông minh. Các bước khởi động đã bắt đầu, vấn đề còn lại là các ngành chức năng cần khẩn trương, quyết liệt, tập trung triển khai các bước tiếp theo đúng kế hoạch, lộ trình mà đề án đã vạch ra. Có như thế đô thị thông minh tại Bình Thuận mà người dân mong chờ mới sớm thành hiện thực.

           Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng Đô thị thông minh tại Bình Thuận: Khẩn trương thôi!