Cùng chung sức
Hiện tại, ở các vị trí, chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị của huyện đều có cán bộ, công chức, viên chức là người đồng bào dân tộc thiểu số đảm nhiệm. Như ở các vị trí như Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Phó Trưởng ban Kinh tế -Xã hội HĐND huyện, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy… đều là cán bộ người Chăm giữ chức vụ. Hay vị trí Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường hiện có cán bộ người Tày đảm trách, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện hiện do cán bộ dân tộc Hoa đảm nhiệm. Trong khi đó, ở cấp xã, cán bộ là người các dân tộc thiểu số thì nhiều hơn, được bố trí ở các vị trí khác nhau, trong đó có tham gia ở cấp ủy và ở những vị trí chủ chốt khác.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức huyện ủy Bắc Bình, trong 35 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Bắc Bình của giai đoạn 2020 - 2025, có 9 đồng chí là người Chăm, Tày, Nùng, Rắc lay… Đây là sự đa dạng các dân tộc thiểu số trong Hội đồng nhân dân huyện, thể hiện sự văn minh, tôn trọng lẫn ghi nhận những đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các dân tộc thiểu số hiện đang cùng sinh sống trên địa bàn huyện. Đồng thời qua đó cũng cho thấy sự nỗ lực kiên trì chuẩn hóa cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số của Bắc Bình trong những năm qua.
Hiện nay đội ngũ trí thức cấp huyện là 3.442 người, được cơ cấu trên các ngành nghề: Giáo dục 2.362, y tế 475, cán bộ công chức 594. Đội ngũ trí thức có những đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận - đoàn thể.
Báo cáo của Huyện ủy Bắc Bình nhấn mạnh: “Trên địa bàn huyện hiện nay có gần 200 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Trong cơ cấu cấp ủy và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều bố trí đầy đủ cán bộ dân tộc thiểu số và cán bộ trẻ đảm bảo theo yêu cầu. Số trí thức nữ và dân tộc thiểu số giữ các chức vụ quan trọng chủ chốt của huyện ngày càng nhiều và đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công việc”.
Có thể ví, đó là hành trình “kiến tha lâu đầy tổ” trên nhiều mặt. Với con em của 25 đồng bào dân tộc đang sống ở Bắc Bình là hành trình nỗ lực vượt khó khăn chung trong tìm kiếm, tích lũy kiến thức để hòa nhập và góp phần xây dựng xã hội hiện đại, văn minh. Với Đảng bộ và chính quyền Bắc Bình, đó là hành trình của bồi dưỡng, đào tạo, bố trí cán bộ theo hướng phát huy truyền thống đoàn kết keo sơn của các dân tộc trong huyện, cũng như truyền thống cần cù, siêng năng, sáng tạo trong lao động xây dựng quê hương.
“Xem việc tìm người”
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Bắc Bình đã xây dựng đội ngũ cán bộ được xem là sát hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong từng giai đoạn. Vì vậy, nhiều năm trước, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện liên kết với một số trường đại học mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trên các lĩnh vực mà huyện đang cần để hoàn thiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ nhu cầu chính trị tại địa phương. Kết quả, đến nay, theo báo cáo của Huyện ủy Bắc Bình, qua 15 năm Trung tâm đã mở 25 lớp đại học, 4 lớp cao đẳng, 22 lớp trung cấp thuộc các ngành luật học, quản trị kinh doanh, quản lý đất đai, nông lâm, văn thư lưu trữ, dược, sư phạm mầm non…Ngoài ra, huyện ủy còn chỉ đạo các địa phương, đơn vị huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện đối với hệ đại học và trên đại học để tạo nguồn trí thức trẻ là người địa phương.
Song song đó, Bắc Bình cũng triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả đóng góp của trí thức. Nhờ vậy, đến thời điểm này, hoạt động của đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực hoạt động đã có kết quả cụ thể. Nếu trên lĩnh vực nông nghiệp, ghi nhận sự thay đổi của đời sống người dân có sự góp phần quyết định của đội ngũ trí thức trong hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng các loại cây, nuôi các loại con phù hợp với vùng đất ở Bắc Bình, nâng thu nhập thì trên lĩnh vực công nghiệp cũng thế. Với việc mở các lớp tập huấn đến các cơ sở sản xuất kinh doanh quy trình xử lý nước thải từ các lò sản xuất bún, phở; khai thác thông tin khoa học trên Internet, tập huấn chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm… đã tạo ra những chuyển biến trong dân, nhất là khi những dự án năng lượng tái tạo xuất hiện trên địa bàn huyện. Tương tự, trên lĩnh vực du lịch, đội ngũ trí thức đóng góp vào công tác quy hoạch các khu du lịch tạo điều kiện cho Bắc Bình thu hút đầu tư cũng như hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch. Riêng về lĩnh vực y tế, phải công nhận một bước tiến trong nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến trong khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Nhờ thế, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân 2 huyện Bắc Bình và Tuy Phong…Tất nhiên, trong quá trình ấy cũng có những mặt chưa được như tác phong công tác của một số cán bộ, công chức còn thiếu chuyên nghiệp; trí thức có trình độ cao (thạc sĩ trở lên) chưa nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng công việc… nhưng chung quy, nhìn lại thì hướng nhìn việc tìm người của Bắc Bình có nhiều nổi bật.
Vì vậy, tiếp trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định thực hiện các khâu đột phá, trong đó tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển du lịch và nông nghiệp gắn với việc rà soát, sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ.
Bí thư Huyện ủy Bắc Bình Cao Sơn Dũng cho biết, để thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới, Huyện ủy Bắc Bình tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhiệm vụ về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò của trí thức trong việc phát triển đất nước. Song song đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cũng như tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, để trí thức phát huy hiệu quả năng lực đóng góp vào sự phát triển của huyện. Cụ thể như điều động, bổ nhiệm, đề bạt phù hợp cũng như có chế độ đãi ngộ, tôn vinh nhằm thu hút trí thức có trình độ cao…