Theo dõi trên

Xây dựng hình ảnh phụ nữ Bình Thuận tự tin, năng động trong thời đại mới

20/10/2022, 05:42

Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Bình Thuận nói riêng luôn có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ các cấp tiếp tục thắp sáng ngọn lửa “Đội quân tóc dài”, ngọn lửa “Ba đảm đang” cùng nhau học tập, lao động sáng tạo và tự tin thể hiện bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn.

Khát vọng tự tin, vươn lên

Chuẩn mực về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa kia vốn gắn liền với truyền thống của “tứ đức – công, dung, ngôn, hạnh” do ảnh hưởng nặng nề từ Nho giáo. Thước đo đầy định kiến xã hội khiến người phụ nữ khi sinh ra đã được nuôi dạy theo đúng khuôn khổ, không có quyền làm chủ để quyết định hay lựa chọn và mặc nhiên, họ chẳng thể làm trái đi được. 2 từ “an phận” dường như đã hằn sâu vào suy nghĩ của nhiều người, kể cả bản thân phụ nữ.

sp-khoi-nghiep-2022.1.jpg
Sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ.

Cho đến khi xã hội phát triển là cơ hội để chị em phụ nữ mở rộng vốn kiến thức, khẳng định lại vị thế của mình. Tại Bình Thuận, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tham gia vào các cấp ủy Đảng, chính quyền và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã có nhiều chuyển biến. Nếu tỷ lệ nữ đại biểu HĐND tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 17,31%, thì đến giai đoạn 2016 - 2021 đạt 27,78% và giai đoạn 2021 - 2026 là 28,30%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt UBND các cấp tăng từ 8,33% giai đoạn 2011 - 2019 lên 11,11% vào năm 2020 và 21,96% vào năm 2021 (cấp tỉnh 14 nữ/76 người, cấp huyện 57 nữ/264 người, cấp xã 133/589 người).

Nội dung bình đẳng giới đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

khoi-nghiep-2022.jpg
Tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ.

Ở Bình Thuận, phụ nữ tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ có nhiều đóng góp cho công tác xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 28,15%. Nhiều chị đảm đang trong gia đình, công việc xã hội, vừa giỏi trong công việc bán thời gian cải thiện thu nhập cho bản thân và gia đình.

Để “tiếp sức” cho chị em, Hội LHPN tỉnh đang thực hiện chương trình liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay tổng nguồn vốn Hội nhận ủy thác hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách khác vay là 1.431.115 tỷ đồng cho gần 42.000 hội viên vay. Ngoài ra, còn có nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn vốn khác do Hội tự khai thác quản lý, huy động vốn nội lực trong hội viên… Qua đó, giúp cho hàng ngàn phụ nữ tháo gỡ khó khăn, hạn chế những bất hòa trong cuộc sống do kinh tế dẫn đến bạo lực gia đình.

van-nghe.jpg
Các hoạt động văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên.

Xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh

Thực hiện phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Hội LHPN tỉnh đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ tham gia các phong trào thể dục, thể thao (TDTT) rèn luyện sức khỏe với phương châm “Mỗi phụ nữ chọn cho mình một môn thể thao phù hợp”.

Theo đó, mỗi hình thức hoạt động TDTT được các cấp hội lựa chọn đều phát huy tinh thần tập thể, tính cộng đồng, đơn giản, dễ tập, phù hợp với sở thích, điều kiện của chị em, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Vì vậy, nhiều phụ nữ dù bận rộn với công việc ruộng đồng, gia đình nhưng vẫn sắp xếp thời gian hợp lý tham gia tập luyện. Trong đó phải kể đến các môn đi xe đạp, yoga, bóng chuyền hơi, cầu lông, gym. Và không chỉ tham gia vào câu lạc bộ, hội, nhóm TDTT ở địa phương, đơn vị công tác, mà các chị còn tham gia giao lưu, giải đấu phong trào, Đại hội TDTT các cấp từ tỉnh đến cơ sở.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp còn chủ động cùng các ngành quan tâm phát triển phong trào TDTT ở đối tượng nữ công nhân viên chức, phụ nữ trung niên, phụ nữ cao tuổi và nữ công nhân tại các khu công nghiệp. Động viên, khuyến khích định hướng, đầu tư cho con em tham gia các hoạt động trong nhà trường, tham gia cuộc thi, giao hữu TDTT do địa phương tổ chức.

Đặc biệt gần đây, phong trào nhảy dân vũ phát triển. Các huyện, thị, thành phố đều thành lập được câu lạc bộ dân vũ tập luyện vào các buổi chiều tối hoặc sáng sớm. Người biết dạy người chưa biết, hướng dẫn nhau từng bước chân, từng động tác sao cho thật đều, thật đẹp và hơn hết là để mọi người cùng rèn luyện sức khỏe. Theo các chị, nhảy dân vũ là môn thể thao cộng đồng không chỉ giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, mà còn tăng cường tình đoàn kết, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở các khu dân cư.

Qua các CLB này, việc lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và hội cấp trên cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Trong đó nhiều chủ đề được chị em tham gia sôi nổi và hiệu quả như chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, rèn luyện 4 phẩm chất của người phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”… Từ đây góp phần xây dựng giá trị người phụ nữ hiện đại có cuộc sống lành mạnh, khỏe về thể chất và tinh thần.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam
BTO-Sáng 15/10, nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam, với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu toàn quốc.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng hình ảnh phụ nữ Bình Thuận tự tin, năng động trong thời đại mới