Theo dõi trên

Ký ức về những ngày đầu tiếp quản Phan Thiết

17/04/2020, 14:04

BT- Cứ đến ngày 19/4, những cán bộ, đoàn viên trong đoàn quân tiến về tiếp quản thị xã Phan Thiết ngày ấy lại tề tựu ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ. Những chàng trai, cô gái 18 đôi mươi, đẹp tựa đóa hoa rừng, mặc nhiên nở, mặc nhiên tỏa hương trước súng đạn giày xéo ngày đêm. Riêng năm nay, dịch  Covid-19 bùng phát và thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, họ chỉ có thể hỏi thăm nhau qua điện thoại nhưng vẫn vẹn nguyên tình đồng chí, đồng đội một thời kề vai sát cánh. 

                
   Sau giải phóng, bà con xóm Đầm tăng gia    sản xuất.

Biến đau thương thành hành động

Ông Lê Văn Vĩnh, năm nay 75 tuổi (khu phố 10, phường Phú Thủy) nhớ lại: Thời điểm đó tôi là Ủy viên BCH Đoàn thanh niên thị xã, Thị ủy viên phụ trách Đội công tác Phú Trinh. Cuối tháng 3, tôi phải ra Hà Nội chữa bệnh, nhưng khi mới đi tới Lâm Đồng thì được gọi về chuẩn bị cho công tác tiếp quản Phan Thiết. Cả gia đình tôi đều tham gia cách mạng. Ba má và 3 em hy sinh giai đoạn từ 1963 – 1973. Nhớ lúc cơ sở báo tin má hy sinh năm 1971. Chỗ má nằm chỉ cách chỗ tôi hoạt động chưa đầy 1 cây số nhưng đành cắn răng quỳ lạy mẹ.

“Nợ nước, thù nhà”, biến đau thương thành hành động, hàng đêm lại xung phong đi khảo sát, xây dựng cơ sở. Bởi thế nghe tin chiến thắng từ các nơi về và chuẩn bị cho ngày tiếp quản thị xã, quên đi bệnh tật, tôi và anh em rất phấn khởi tham gia học nghị quyết, ghi nhớ nhiệm vụ được phân công và các chỉ đạo của cấp trên.

Không có thắng lợi nào không trả bằng máu, khi nhiều bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, kể cả thành viên trong các đội công tác nằm xuống mãi mãi. Nhưng đoàn viên thanh niên không hề nao núng. Cận kề cái chết khi bị địch bắt, vậy mà ngay khi ra tù năm 1972, bà Võ Thị Liên (xã Phong Nẫm), đã bắt liên lạc với cơ sở, đảm nhận công tác Đoàn thanh niên thị xã Phan Thiết và chiến đấu cho đến ngày giải phóng.  

Vận động nhân dân xây dựng cuộc sống mới

Theo cuốn Phan Thiết 35 năm xây dựng và phát triển (1975 - 2010): Sau khi Phan Thiết được giải phóng ngày 19/4, Đảng bộ và nhân dân thị xã thực hiện nhiệm vụ hậu phương góp phần giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4. Ngày 1/5/1975, thực hiện chủ trương của tỉnh, Phan Thiết tổ chức mít tinh mừng tỉnh Bình Thuận, mừng thị xã Phan Thiết được giải phóng tại sân vận động thị xã. Hơn 2 vạn đồng bào đại diện các phường đến dự. Tại buổi lễ trọng đại này, UBND cách mạng lâm thời thị xã ra mắt nhân dân gồm 9 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Ngọc Lưu làm Chủ tịch. Đồng chí Vũ Ngọc Đài - Trưởng ban Quân quản tỉnh đọc mệnh lệnh và lời kêu gọi của Ủy ban Quân quản tỉnh, nhắc nhở mọi người bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn nơi mình sinh sống. Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời thị xã đọc diễn văn kêu gọi toàn dân đoàn kết bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, ra sức khắc phục khó khăn...

Lúc bấy giờ ông Lê Văn Vĩnh được phân công làm Bí thư Đoàn thanh niên. Dù lực lượng Đoàn còn mỏng, nhưng ai cũng hừng hực khí thế đi tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, yên tâm ổn định cuộc sống, cùng chính quyền khôi phục sản xuất; tham gia dọn dẹp an ninh trật tự, treo cờ, ngày đêm xuống địa bàn dạy những bài ca cách mạng… Đến cuối năm 1975, Hội LHTN Việt Nam do ông phụ trách đã tập hợp được 10.012 thanh niên ở các phường và cơ quan. Riêng Đoàn thanh niên kết nạp 610 đoàn viên, hình thành 19 Ban chấp hành chi đoàn, Đội Thiếu niên tiền phong có 6.295 đội viên, hình thành 87 chi đội ở các phường và các trường học với 358 phân đội.

Còn bà Võ Thị Liên được phân công về phường Phú Thủy ngày nay. Bà Liên kể: Về đây chỉ có 7 anh em, trong khi tàn dư sau chiến tranh nặng nề, nhưng ai nấy đều hăng say ổn định tình hình. Từ tuyên truyền, phát động quần chúng xóa bỏ cuộc đời nô dịch, vươn lên làm chủ xóm làng, xây dựng cuộc sống mới độc lập, tự do. Đến xóa bỏ kỳ thị người bị bắt ép cầm súng và làm việc cho chế độ cũ, với lớp người tham gia kháng chiến, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Phong trào thi đua hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân dấy lên khá sôi nổi, đều khắp trên các lĩnh vực, địa bàn. Bà con ở vùng Đầm, xóm Khoai, xóm động Cây Cám đẩy mạnh sản xuất rau màu cung cấp cho nhân dân nội thị và cho đơn vị bộ đội. Khôi phục nghề lưới rùng và nghề muối. Thực hiện phong trào “Ăn sạch, ở sạch, uống chín” phòng chống dịch bệnh. Đồng thời vận động y, bác sĩ hành nghề tư nhân trong nội thị tự nguyện tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân. Động viên hộ kinh doanh y dược tư nhân hỗ trợ thuốc men, tặng các cửa hiệu, quầy hàng y dược cho Nhà nước…

Đến tháng 9 -10/1975 các trường học đều được khai giảng trở lại và đổi tên thành cấp I, II, III. Phú Thủy cũng là địa phương dẫn đầu thị xã thực hiện chủ trương xóa nạn mù chữ. Đến đầu năm 1976, 4 khu phố đều có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền… Mỗi khi nhắc lại, bà Liên không giấu được niềm vui, khi phường Phú Thủy - nơi bà từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ (tháng 10/1975 - 4/1976), đang ngày càng lớn mạnh cả về kinh tế- xã hội.  

Tiếng súng và bom đạn chiến tranh đã lùi xa 45 năm qua, trong đoàn quân tiếp quản Phan Thiết người còn, người mất, sức khỏe giảm sút, nhưng khi nhắc lại hào khí những ngày tháng 4 lịch sử, trong họ vẫn vẹn nguyên niềm tự hào. Qua dòng ký ức ấy sẽ giúp các bạn trẻ hiểu hơn về một thời hoa lửa hào hùng mà ông cha ta đã không tiếc máu xương giành lại, để nỗ lực trong học tập, rèn luyện và sống có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức về những ngày đầu tiếp quản Phan Thiết