Theo dõi trên

Chuyện khó tin về một người mù

04/05/2018, 11:26

BT- Nói đến anh Nguyễn Văn Ninh (SN 1956), trú tại thôn Hiệp Hòa, xã Tân Hải, thị xã La Gi (ảnh), mọi người đều khâm phục khả năng phi thường của anh. Dù mù lòa nhưng anh không đầu hàng số phận vẫn bôn ba đi buôn bán khắp nơi; là trụ cột của gia đình với 7 miệng ăn, cũng như tạo dựng một cơ ngơi đàng hoàng mà người lành lặn cũng phải hằng mơ ước.

Không gục ngã

Năm 1972, anh Ninh đang học lớp 7 ở trường cấp 2 huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thì bị thương vùng đầu do máy bay Mỹ thả bom bi. Tỉnh dậy sau nhiều ngày hôn mê, anh bàng hoàng khi nghe bác sĩ thông báo: hai mắt anh bị hư vĩnh viễn.

Anh Ninh nói mình hoàn toàn tuyệt vọng và cảm giác không thể nào chịu đựng nổi khi xung quanh mình chỉ là màn đêm đen tối. Một đứa trẻ sinh ra bị mù bẩm sinh sẽ không đau buồn, khốn khổ đến mức như anh. Dù gì đã có hơn chục năm sống trong ánh sáng nay bỗng nhiên không còn được nhìn thấy nữa nó mới khủng khiếp đến nhường nào. Những tưởng, cuộc đời anh sẽ đầy bế tắc. Nhưng rồi, anh nghĩ: than khóc, buồn đau, oán trách số phận nghiệt ngã cũng không thể thay đổi được gì! Thế là, anh nhủ lòng sẵn sàng đối diện với thực tại. Anh tập cho mình cách “lắng nghe” thế giới xung quanh, tập đi lại bằng chiếc gậy, cũng như tập làm mọi việc liên quan đến cá nhân mà không nhờ người giúp.  Dần dần, từ lúc nào, Nguyễn Văn Ninh rèn luyện được một thính giác nhạy bén, đôi bàn tay mẫn cảm, cùng với trí nhớ. Ví như đi đường nghe gió thổi, nghe những tiếng động chung quanh, anh có thể nhận ra đó là nơi đông người hay vắng vẻ… Vì vậy, có một ngày, Nguyễn Văn Ninh quyết định đi buôn, cũng như tin rằng mình có thể đi buôn được. Năm 1979, cảm phục người thanh niên mù lòa đầy nghị lực vươn lên, người con gái cùng làng Nguyễn Thị Cúc  đồng ý về làm vợ anh, cùng anh những ngày đồng cam cộng khổ để xây dựng tương lai. Có vợ, con cái lần lượt ra đời, cũng như không ít khó khăn lại đến.

Việc đồng áng xong xuôi, anh giao lại cho vợ ở quê và bắt đầu đi buôn đường xa. Mới đầu chỉ đi Thanh Hóa - Hà Nội, Hải Phòng…  dần dần  Nam tiến. Về sau, anh chủ yếu buôn chuyến Thanh Hóa -TP. Hồ Chí Minh, điểm đến là chợ Kim Biên. Hàng buôn của anh là kim khí điện máy. Là phụ tùng máy xay xát mà nhiều chiếc máy xay ở Thanh Hóa đang cần, hoặc những thứ ai đó đặt mua. Thời gian sau, con cái lại lớn nên anh bàn với vợ chuyển gia đình vào Tây nguyên sinh sống. Hằng ngày, anh cùng vợ phát rẫy để trồng cây ngắn hạn theo mùa như:  bắp, đậu xanh, đậu phộng. Xong việc, anh xuống Phan Thiết mua nước mắm, cá khô lên đổi lúa, gạo cho bà con và lại mang trở xuống Phan Thiết bán kiếm lời. Anh nhận thấy người dân Phan Thiết thân thiện, dễ mến, mảnh đất nơi đây dễ làm ăn vì rừng vàng, biển bạc đủ cả. Anh lại cùng gia đình về Tân Hải định cư. Anh nói đất Tân Hải lúc ấy còn khá nhiều, chủ yếu là cây rừng. Thế nên hằng ngày, anh phát cây lấy đất trồng trọt. Anh Ninh nói, mình còn có tài cuốc góc, be bờ thẳng tắp và sắc nét khiến bất kỳ ai khó tính cũng phải trầm trồ. Ngày rảnh, anh mang nước mắm vào Trảng Bom, Dầu Giây… bán dạo. Lúc này, anh đã có 3 đứa con đi học,  riêng cậu con trai đầu vì sức học yếu nên  anh quyết định cho con theo với mình. Đó cũng là cách anh dạy con về nghề buôn. 

Mỗi lần chất cả trăm lít nước mắm lên xe đò, vào đến Trảng Bom, hai cha con thuê nhà dân để ở. Từ đó, hai cha con quẩy đôi quang gánh nước mắm đến từng nhà dân bán lẻ. Bán hết đợt này lại trở về lo chở đợt khác. Thấy anh làm việc gì cũng giỏi giang, một số người hoài nghi phản ảnh: “Chắc ông này giả mù, chứ mù gì mà việc gì cũng làm tuốt”. Để chứng minh cho dư luận biết họ đã nhầm, anh Ninh  ra Phan Thiết giám định lại thương tật. Khi xem giấy chứng nhận của bệnh viện về thị lực của anh còn chưa tới 10%, lúc đó mọi người mới tin!

Ở cái tuổi 62, anh Ninh có thể  tự hào là 3 người con đều học hành đến nơi đến chốn. Anh đã chia cho mỗi con một mẫu đất để trồng thanh long. Con út của anh tốt nghiệp công nghệ thông tin, nay trở thành ông chủ vườn thanh long  mấy nghìn trụ. Giờ thì vợ chồng anh ở với đứa con thứ hai vừa trồng thanh long vừa làm nghề đóng giày. Căn nhà mặt đường được xây dựng bề thế là nơi anh dự định mở những phòng massage, tạo điều kiện cho những người khiếm thị trong thị xã có công ăn việc làm.  

Hoạt động vì cộng đồng

Hiện anh đang làm Phó Chủ tịch Hội Người mù của thị xã. Hàng ngày, anh  tất bật với biết bao công việc vì cộng đồng như: tham gia khóa học vi tính, massage để dạy lại cho những người khiếm thị.

Ông Đỗ Huỳnh Long, Chủ tịch Hội Người mù thị xã cho biết: “Anh Ninh là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Những việc anh làm, nhiều người bình thường không theo được”.

Anh nói, khá nhiều người bị khiếm thị, ban đầu thường hay mặc cảm, tự ti nên sống khép mình. Lấy cuộc đời của mình ra làm bằng chứng, anh đã khích lệ họ vượt qua mặc cảm.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện khó tin về một người mù