Theo dõi trên

Thủ đoạn của tội phạm mua bán người

21/02/2019, 09:38

BT- Không chỉ lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của những cô gái tuổi mới lớn để lừa bán ra nước ngoài, đối tượng mua bán người còn giả nhận nuôi trẻ sơ sinh để bán sang Trung Quốc và không ít nạn nhân đã lọt vào bẫy của loại tội phạm nguy hiểm này…

                
Hai đối tượng Yến và Phương.

Chiêu trò tuyển vợ, xuất khẩu lao động

Tại Bình Thuận, tội phạm mua bán người vẫn âm thầm hoạt động ở nhiều nơi bằng những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Các đối tượng thường lân la về các xã vùng sâu, vùng xa để rủ rê, lôi kéo phụ nữ địa phương vào TP.HCM, các tỉnh phía Nam cho người nước ngoài “xem mặt chọn vợ”. Bên cạnh đó, thời gian gần đây còn xuất hiện nhiều đối tượng lạ từ TP.HCM đến Bình Thuận với vỏ bọc tuyển công nhân ra nước ngoài lao động. Đó là những chiêu bài, là thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp nghe theo những lời ngon ngọt của đối tượng môi giới hôn nhân, mà rời địa phương hoặc đi xuất khẩu lao động sau đó rơi vào tay của bọn buôn người. Hệ quả là các cô gái thường bị bán vào những động mại dâm và cơ hội để thoát ra trở về quê hương là không hề đơn giản.

Qua thống kê, năm 2018 các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiếp nhận 24 đơn thư tố giác, tin báo liên quan đến hoạt động mua bán người. Trong năm qua, công an đã bắt 1 vụ, 1 đối tượng có hành vi mua bán người là Trần Thị Thanh (SN 1995), trú tại khu phố 10, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết. Quá trình xác minh, công an cũng xác định có 12 người ở Bình Thuận là nạn nhân trong đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc do đối tượng Nguyễn Thị Mai (SN 1981, trú tại khu phố 2, phường Phước Lộc, La Gi) cầm đầu. Đối tượng này bị Công an tỉnh Bình Định bắt vào tháng 1/2017. Ngày 29/4/2018, lực lượng chức năng còn phát hiện ông Huang Shuwei (SN 1994, quốc tịch Trung Quốc) đến xã Tân Thắng, Hàm Tân để kết hôn với một cô gái ở thôn Phò Trì, xã Tân Thắng. Tuy nhiên, ông Huang Shuwei không làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định. Ngoài ra, từ tin báo của người dân, ngành chức năng còn tiến hành xử phạt 20 triệu đồng đối với đối tượng Huỳnh Thị Thúy An (SN 1994, ngụ xã Tân Hải, La Gi) về hành vi “Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép”.

 Giả nhận nuôi trẻ sơ sinh để đem bán

Không chỉ buôn bán phụ nữ, thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên cả nước cũng xuất hiện nhiều trường hợp trẻ em bị bán sang nước ngoài bằng thủ đoạn mới, cực kỳ nguy hiểm. Ngày 16/2/2019, Công an TP. Móng Cái (Quảng Ninh) phát hiện 2 người đàn ông làm nghề xe ôm điều khiển hai xe máy, phía sau mỗi xe chở 1 người phụ nữ, trên tay 2 phụ nữ đều đang bế một cháu bé sơ sinh. Nhận thấy có biểu hiện nghi vấn, công an tiến hành kiểm tra hành chính, sau đó  tạm giữ Nguyễn Thị Bích Yến (quốc tịch Trung Quốc, SN 1984, từng cư trú tại khu phố 2, phường Xuân An, TP. Phan Thiết) và Nguyễn Thị Bích Phương (SN 1988, trú ấp Tây Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Qua đấu tranh, 2 đối tượng trên khai về Việt Nam mua trẻ sơ sinh để bán sang Trung Quốc. 2 đứa trẻ trên là con của một phụ nữ ở tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Để qua mặt cơ quan chức năng và người dân, 2 đối tượng trên nói với mọi người rằng 2 đứa trẻ sơ sinh này do họ nhận nuôi giúp người khác.     

Trước thực trạng trên, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động tố giác các biểu hiện nghi vấn của đối tượng để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em. Theo Công an tỉnh, tình trạng di dân tự do từ các tỉnh, thành khác đến Bình Thuận cư cú rất nhiều nhưng công tác đăng ký, quản lý cư trú ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn lỏng lẻo, nhất là tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương nhưng chính quyền không nắm được đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng mua bán người gia tăng hoạt động. Vì vậy, các địa phương phải chủ động khắc phục hạn chế này bằng những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; làm tốt công tác quản lý nhà nước, nắm chặt địa bàn, đối tượng. Bên cạnh đó, Công an tỉnh sẽ tăng cường quản lý cư trú, quản lý xuất, nhập cảnh; quản lý người nước ngoài. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm tại công an các đơn vị, địa phương; tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm với quyết tâm không để tội phạm lộng hành.

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ đoạn của tội phạm mua bán người