Theo dõi trên

Khi mùa hạn đi qua

08/05/2020, 09:56

BT- Hàng ngày đi làm, thường bắt gặp hình ảnh ông Cương chuẩn bị từ sáng sớm những dụng cụ và đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc mấy trăm trụ thanh long ở Mương Mán. Nhìn cách ông tỉ mỉ từ bao phân, thuốc, thức ăn cho một ngày lao động cũng đủ biết sự kỳ vọng của ông là như thế nào. Bởi cũng nhờ sự chắt chiu của thằng con trai lớn trong khoảng thời gian khá dài mới có được mảnh vườn này, là cũng mong có thu nhập trang trải cho gia đình đông con.

Gặp con trai ông mới đây ở đầu xóm, trông hắn có vẻ già hơn tuổi 35, râu ria lởm chởm, cậu ta than phiền: “Không hiểu vì sao năm nay nắng hạn hơn mọi năm. Ông già bỏ công chăm sóc khá cực, giếng lại cạn nước, khoan thêm giếng mới cũng chẳng có nước, “đổ’ tiền vào mấy chục triệu đồng rồi mà thu hoạch chẳng là bao. Cũng vì thiếu nước nên sản lượng thấp quá. Khổ thân ông già…”.

Có ai nghĩ quê mình đang trong tình huống khẩn cấp do hạn hán ở cấp độ 2 đâu nhỉ. Dường như năm nay mùa hạn đi qua khá dài. Những cánh đồng, vườn hoa màu đang đối mặt với hạn hán cực đoan. Người dân vùng sâu vùng xa thiếu nước sinh hoạt hàng ngày, phải mua nước, rồi cả “trộm” nước. Lời kêu gọi nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm, không biết hiệu quả đến đâu? Việc huy động trong dân các biện pháp chống hạn, không để người dân bị thiếu nước là điều hết sức cần thiết.

Khi mùa hạn đi qua người ta buộc phải nghĩ đến tình trạng phá rừng bừa bãi làm mất nguồn nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước. Rồi chuyện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, trồng cây không phù hợp, vùng ít nước thì lại trồng cây cần nhiều nước như lúa làm cho việc sử dụng nước quá nhiều, dẫn đến việc cạn kiệt nguồn nước... Thế nên nạn hạn hán có một phần tác động từ con người.

Còn nhớ vở múa “Hạn hán và cơn mưa” của Ea Sola Thủy đã tạo tiếng vang trong giới nghệ thuật. Bà là một nghệ sĩ tài ba ở tận nước Pháp đã tìm đến Việt Nam, lặn lội tới từng thửa ruộng ở vùng quê, chọn những lão bà đích thực chân lấm tay bùn, đưa lên sân khấu trình diễn vở múa đầu tay “Hạn hán và cơn mưa”. 14 bà già làm ruộng, hầu hết cả đời chưa đi khỏi làng quê đã cùng bà đi diễn khắp các nước. Có lẽ bà thấu hiểu rằng chỉ có người nông dân mới lột tả được hai mặt của một vấn đề mà người nông dân thường phải trải qua. Hạn hán và cơn mưa. Chiến tranh và hòa bình. Ea Sola Thủy nói về thông điệp mà “Hạn hán và cơn mưa” muốn chuyển tải: “Chiến tranh trong tôi không chỉ là súng đạn, mà còn có nhiều cuộc chiến khác như chiến tranh công nghệ, chiến tranh thông tin, cuộc chiến với biến đổi khí hậu và cả cuộc chiến âm thầm trong mỗi con người...”.

Con người sinh ra ở miền ruộng đồng nên rất hiểu hạn và mưa có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Có đôi lúc họ cầu mưa theo kiểu tâm linh, cô đọng trong những câu hát: “Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy bát cơm đầy…”.

Rồi những bồn chồn thấp thỏm, khao khát đợi mưa… cũng sẽ được bù đắp khi cơn mưa chiều nay trở về xua tan cái nắng hanh hao.

Khi hạn hán đi qua cho ta nhìn lại mình với cuộc sống bao la…

Quang TuẤn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi mùa hạn đi qua