Theo dõi trên

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Những người phụ nữ ở Trường Sa

06/03/2019, 09:03

BT- Dù sống ở nơi đầu sóng ngọn gió nhiều khó khăn, nhưng những người mẹ, người vợ hiền ở Trường Sa luôn nở nụ cười trên môi, chăm lo “tổ ấm”, một lòng bám biển, bảo vệ biển đảo quê hương.

Có đặt chân đến Trường Sa, mới cảm nhận hết môi trường sống nơi đây còn thiếu thốn và khắc nghiệt. Nam giới đã vất vả, phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi hơn. Tuy nhiên, những người phụ nữ đang sống và làm việc ở quần đảo Trường Sa hàng ngày vẫn quên đi khó nhọc, tận tụy, làm tốt mọi việc. Ngoài công việc nhà, tăng gia sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi… họ còn tham gia công tác xã hội trên đảo, góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương. Điển hình là việc tăng gia sản xuất. Dù trong điều kiện thiếu nguồn nước ngọt, nhưng các chị vẫn đảm bảo đầy đủ bữa ăn hàng ngày. Chị Lữ Kim Cúc - người mẹ có cô con gái đang học lớp 1 ở đảo Sinh Tồn chia sẻ, hàng ngày ngoài việc phụ giúp chồng chài lưới, chị còn tranh thủ trồng thêm nhiều rau xanh như: rau muống, bầu, rau ngót, mồng tơi… cây ăn trái quanh nhà và chăn nuôi thêm gà, vịt… nên bữa ăn hàng ngày luôn đầy đủ.

Cái khó nhất hiện nay trên đảo là thiếu nguồn nước ngọt vì Trường Sa nằm trong khu vực ít mưa thừa nắng, thời gian khô hạn gấp đôi thời gian mưa. Người dân trên đảo phần lớn chỉ trông chờ từ nguồn nước mưa. Mỗi khi có mưa, chị em tập trung hứng nước từ mái nhà dẫn về các bể ngầm dưới mặt đất hoặc thùng, tẹc chứa nước…Do đó, nếu không tính toán sử dụng nguồn nước ngọt hiếm hoi hợp lý, sẽ không đủ cho sinh hoạt, chưa nói đến việc tưới rau... Để có nước tăng gia sản xuất, chị Kim Cúc cũng như nhiều chị em khác trên đảo đã tận dụng nguồn nước thải sinh hoạt hàng ngày. Nước ngọt sau khi tắm, giặt, rửa chén bát... sẽ được đưa xuống bể chứa nước thải để tưới cho cây - một quy trình khép kín tiết kiệm nước đến từng giọt.

Ngoài tăng gia sản xuất, việc dạy con cái yêu biển đảo quê hương, cũng được các chị chú trọng. Chị Cúc cho biết, thỉnh thoảng con gái Doãn Lữ Ái Nhi hỏi về những hoạt động trên đảo hay cuộc sống quanh đảo, chị thường tỉ mỉ giải thích để Nhi hiểu. Một lần Nhi hỏi: Tại sao nhà mình ở đây, chị giải thích: “Mình ở đây để bảo vệ biển đảo quê hương mình!”. Chị Ngọc Nở, hàng xóm chị Cúc vui vẻ chia sẻ thêm, những ngày đầu đi học, con gái chị - cháu Nguyễn Hòa Uyên không chịu đến trường, nhưng kiên trì giải thích, động viên cháu hiểu chuyện học là cần thiết… Hôm nào chưa kịp đến trường, thầy giáo đến tận nhà an ủi. Giờ cháu rất thích đi học, ngày nào cũng dậy sớm đòi mẹ dẫn đến trường. “Trẻ nhỏ là vậy, phải kiên trì, nếu không sẽ không tốt cho bé về sau”.

Cuộc sống trên đảo tuy khó khăn thiếu thốn, nhưng bù lại môi trường sống bình yên, cảnh quan đẹp đã làm vơi đi nỗi gian lao. Hầu như ai đặt chân lên đảo cũng có cảm giác không muốn trở về. Người dân trên đảo ngày đêm bám biển, bám đảo, trong đó có các chị, vì giờ đảo như là nhà, biển cả là quê hương. Những ngày này, khi nghĩ đến những người phụ nữ ở Trường Sa, tôi thầm cảm ơn sự hy sinh của các chị. Sự hy sinh của các chị tô thắm thêm những “bông hoa tươi đẹp” nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. 

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Những người phụ nữ ở Trường Sa