Theo dõi trên

15 năm gắn bó với người nghèo

29/09/2017, 09:21

BT- Có người nói vui: Nối hai khúc rẻo của Hàm Thuận và Hàm Tân mà thành huyện Hàm Thuận Nam, vì vậy mà chuyện người nghèo ở mảnh đất này kể ba ngàn sáu trăm ngày không hết. Quả vậy, sự  khó khăn cùng cực của dân cư trong những năm đầu mới thành lập huyện và cho mãi tới những năm gần đây là thực trạng đau lòng. Nhiều người đã ra đi, nhưng có những người tâm nguyện bám trụ, gắn bó, chia sẻ hết lòng với những cảnh đời khốn khó, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) huyện Hàm Thuận Nam Nguyễn Thái Hòa là trường hợp như thế.

                
   Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ    nghèo vay vốn. Ảnh: Đ.Hòa

I. Đưa vốn Chính phủ đến các hộ nghèo

Có cùng đi với anh xuống các thôn, xã trong những ngày lặn lội khảo sát hộ nghèo mới thấy hết cái tâm của một cán bộ ngân hàng. Huyện miền núi Hàm Thuận Nam có 12 xã và 1 thị trấn thì có đến 6 xã thuộc vùng khó khăn (chiếu theo Quyết định 30 của Chính phủ), với sự phân bố rải rác của 15 dân tộc cùng sinh sống. Anh Hòa cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ mới thành lập 15 năm nay (10/5/2003) nhưng từ ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam, tháng 7/1983, lúc bấy giờ các cơ quan huyện chỉ là những căn nhà lá hoặc lợp giấy dầu tạm bợ, nắng rọi mưa dột, anh đã có mặt nên cái nghèo ở đây đã trở thành nỗi ám ảnh không nguôi.

Tháng 10/2002, Chính phủ có quyết định thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (tiền thân là Ngân hàng Người nghèo, tách từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn). Trước tình hình trên, cấp trên quyết định giao cho anh Nguyễn Thái Hòa đảm trách nhiệm vụ mới.

Sau những khó khăn, đến năm 2005, cơ quan chính thức hoạt động như một ngân hàng, nhận bàn giao tất cả các khoản nợ từ Ngân hàngngười nghèo,ngân hàng Công Thương, Kho bạcnhà nước, mà hầu hết là nợ xấu khó đòi. Anh Hòa vừa lo ổn định phần cơ quan lại phải tăng cường tìm hiểu sâu về cơ sở.  Anh nói: “Có đi mới biết nhiều hộ nghèo khó khăn lắm, nhưng qua tìm hiểu thì hầu hết người dân chưa nắm bắt  được chủ trưởng chính sách của Chính phủ về cho vay hộ nghèo, vì vậy lại phải tăng cường tuyên truyền cho người nghèo biết mà tìm đến ngân hàng”.

Giám đốc Hòa kể chuyện mình làm ngân hàng đã trở thành người thân của muôn nhà như thế nào: “Tôi còn nhớ những ngày đầu khi giải ngân cho bà con tại xã với mức vay chỉ 10- 20 triệu đồng nhưng thấy cảnh nhận và đếm tiền mà run tay, tôi hỏi sao mà như vậy? Họ trả lời là chưa bao giờ nhận được nhiều như vậy? “Bao nhiêu mà nhiều”? “Dạ hai chục triệu đồng chú ơi! Có tiền này mới dám đầu tư vào thanh long mong thoát nghèo được”. Có nhiều trường hợp hộ vay đến kỳ hạn trả nợ nhưng không có tiền để trả, phải chuyển quá hạn với lãi suất 130%; tôi đến trực tiếp hộ vay kiểm tra xem thực tế đúng là điều kiện kinh tế quá khó khăn, sản phẩm chưa thu được, tôi động viên hộ vay nên khắc phục trả hết nợ, ngân hàng sẽ cho hộ vay lại.  Bản thân tôi và vài anh em hỗ trợ người vài trăm ngàn đồng gíup hộ vay như hộ ông Lập, ông Bông ở Hàm Thạnh... hoặc có hộ quá nghèo nhà cửa lụp xụp như các hộ đồng bào Chăm (Tân Thuận), báo với chính quyền địa phương quan tâm đưa vào danh sách để nghị hỗ trợ nhà ở. Thực tế có hộ vay chỉ 8 triệu đồng đến hạn không có tiền trả như hộ ông Hoàng ở Hàm Thạnh. Hộ này đượcnhà nước xây nhà tình thương, có con bại liệt hưởng trợ cấp nhà nước hàng tháng, hai vợ chồng đi làm thuê. Tôi trực tiếp cùng A Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã đến tại nhà xem xét, thực trạng là quá khó khăn, ý định bán 2.000m2 đất để trả nợ ngân hàng. Tôi hỏi anh bán đất lấy gì sản xuất? Trả lời: “Dạ, đi làm thuê”. Thực sự tôi cảm thấy cay cay ở mắt. Chỉ có 8 triệu đồng mà khó vậy sao? Tôi đề nghị Hội Nông dân xã cùng gia đình bằng cách nào đó khắc phục trả hết nợ ngân hàng, tôi khuyên anh nên giữ đất lại đề sản xuất, ngân hàng sẽ cho anh vay với số tiền 20 triệu đồng để đủ trồng  200 trụ thanh  long, có vậy mới mong thoát nghèo được. Giờ, hộ ông Hoàng đã thoát nghèo, đời sống khá hơn nhiều... Và tất cả những con người ấy đã trở thành thân thiết với tôi, nhiều người thân tình như ruột rà. Có người cứ gặp là cảm ơn rối rít. 

II. “Thương sinh viên nghèo như con mình”

Ông Trần Thỉ (thôn Tà Mon, xã Tân Lập) nói: “Tôi có 6 đứa con. Nhiều lúc bí quá, túng quẫn quá, vợ chồng tôi định cho các cháu nghỉ học để phụ giúp gia đình. Anh Hòa đã giải thích cho chúng tôi về tín dụng học sinh, sinh viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tôi được vay theo Quyết định 157 CP”.

Bà Nguyễn Thị Liễu ở xã Tân Thuận cho hay, nhờ được vay tín dụng HSSV mà 3 đứa con của bà đều học xong đại học.

Ông Trần Toản (thôn Tà Mon, Tân Lập) lại rơi vào hoàn cảnh đặc biệt: Vợ qua đời  khi con nghe tin đậu đại học. Định bán đất cho con đi học thì nghe anh Hòa báo không cần phải như vậy, Ngân hàng CSXH sẽ cho anh vay. “Khi mình cùng đường thì có bàn tay chìa ra, mừng lắm!”.

Có những gia đình khó khăn có con em học sinh thi vào đại học nhưng không có tiền để đi học, toan tính chuyện bán đất cho con được đi học, phát hiện được những trường hợp này anh Hòa đến tận nơi hướng dẫn họ vay vốn học sinh - sinh viên, giữ đất lại sản xuất. Đến nay nhiều người gặp lại anh, họ mừng lắm, gửi lời cảm ơn. Anh Hòa tâm sự: “Những lúc như vậy tôi thầm mừng không chỉ vì tiếng cảm ơn chân thành, mà còn vì trong lòng tôi cảm thấy vui là những người dân hiền lành chất phác đã được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ. Phần nữa, mình cứ thương các cháu học sinh, sinh viên nghèo như thương con mình vậy. Mình giúp cho các cháu một cái phao để bơi qua đoạn sông sâu, sau này, các cháu có được tương lai tươi sáng.”

Ngoài ra, anh còn là người tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, thường xuyên vận động cán bộ viên chức trong đơn vị cùng với mình thực hiện đóng góp các quỹ vì người nghèo, thiên tai, bão lụt và các khoản an sinh xã hội. Trong 15 năm qua, toàn đơn vị góp hơn 160 triệu đồng, ủng hộ xây 2 căn nhà tình thương tại thị trấn Thuận Nam trị giá mỗi căn hơn 40 triệu đồng, cùng nhận và nuôi dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Tân Thành.

Hiện nay, Phòng giao dịch NH CSXH huyện Hàm Thuận Nam đã xây dựng được 12 điểm giao dịch tại cấp xã và 1 điểm tại thị trấn. Hoạt động NH CSXH từng bước xã hội hóa, ngoài 8 cán bộ trong biên chế của phòng còn có sự phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho vay vốn thông qua 222 tổ tiết kiệm. Hàng trăm cộng tác viên đang sát cánh cùng NH CSXH thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.     

34 năm gắn bó với huyện Hàm Thuận Nam, 15 năm gắn bó với người nghèo, Giám đốc Nguyễn Thái Hòa được tặng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà Nước, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH; kỷ niệm chương của Bộ KH&ĐT, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân.  6 năm là chiến sĩ thi đua cơ sở…

Trong 15 năm bám trụ mảnh đất nghèo Hàm Thuận Nam, với tấm lòng hướng về người nghèo, không ngại khó khăn, cùng đồng nghiệp trực tiếp đến các xã, các thôn miền núi xa xôi để giải ngân cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, anh Hòa thực sự là một tấm gương giúp đỡ người nghèo. 

NguyỄn Tân HẢi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
15 năm gắn bó với người nghèo