Chợ Phan Thiết có khoảng 600 hộ kinh doanh cố định với hơn 20 ngành hàng, được xem là một trong những trung tâm thương mại, đầu mối lưu thông, phân phối hàng hóa lớn nhất tỉnh.
Những năm gần đây lượng người tiêu dùng vào chợ không nhiều do siêu thị lớn, nhỏ; chợ cóc, chợ tạm tự phát, hàng quán xuất hiện khắp nơi. Chính vì vậy, chợ luôn trong tình trạng vắng người, tiểu thương ngao ngán vì ế ẩm, có người đã chuyển nhượng quầy hàng sang làm ngành nghề khác. Hầu hết họ nuôi hy vọng dịp lễ, tết đông du khách, người tiêu dùng, vớt vát phần nào bù đắp tháng ngày ế ẩm. Tuy nhiên, họ cũng phiền muộn với “đội quân” ăn xin, bán vé số xuất hiện nhiều chèo kéo du khách, người mua sắm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán. Một tiểu thương bức xúc: “Người ăn xin “khủng bố” du khách tại chợ Phan Thiết”, với ngụ ý quá nhiều ăn xin, xin tiền du khách, người mua sắm.
Với tiểu thương Th không ngần ngại nói: “Chợ nhìn đâu cũng thấy ăn xin, vé số, thậm chí cả xì ke ma túy. Bán cho khách mà cứ hết ăn xin tới xin tiền rồi đến vé số tới chèo kéo mua. Nếu chị làm việc trong bộ máy chính quyền thì nhờ chị báo vấn đề này lên ngành chức năng giải quyết giúp chúng tôi. Bởi bên ngoài chợ thì nhiều người buôn bán cạnh tranh, trong lòng chợ chúng tôi đã không bán được mà còn ăn xin, vé số quấy rầy…”.
Trao đổi vấn đề, ông Lê Văn Hậu - Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Phan Thiết cho biết: BQL đã đẩy đuổi người ăn xin nhiều lần nhưng cứ được hôm nay, ngày mai lại xuất hiện. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Phòng Lao động Thương binh & Xã hội và UBND các phường, xã...
Trước đó, UBND TP. Phan Thiết yêu cầu UBND các phường, xã thường xuyên thực hiện rà soát, phân loại và tập trung, xử lý trẻ em, người tâm thần, người lang thang, ăn xin trên địa bàn. Khi phát hiện đối tượng lang thang, ăn xin phải tổ chức rà soát, phân loại, xử lý người lang thang ăn xin theo Quyết định số 1625 của UBND tỉnh.
Đối với các trường hợp là người của địa phương đi lang thang, ăn xin với mục đích kiếm tiền hoặc kết hợp với việc bán hàng rong, đánh giày đeo bám, chèo kéo khách du lịch để ăn xin thì bàn giao đối tượng cho gia đình quản lý, có biện pháp giáo dục, răn đe và cam kết không để đối tượng tái diễn việc lang thang, ăn xin. Đồng thời, vận động nhân dân, khách du lịch không cho tiền, quà trực tiếp đối với người ăn xin. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm việc thiện thì liên hệ địa phương giới thiệu để tổ chức, cá nhân trực tiếp trao cho đối tượng.
Đối với Công an thành phố chỉ đạo công an các phường, xã phối hợp với UBND phường, xã, lực lượng thanh niên xung kích, bảo vệ dân phố trong việc tập trung người lang thang, ăn xin và xử lý triệt để theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi tổ chức, xúi giục người khác đi lang thang, ăn xin; ngược đãi, xua đuổi người mắc bệnh tâm thần, người cao tuổi, người tàn tật, trẻ em ra khỏi nhà và phải sống lang thang, ăn xin trên địa bàn thành phố...