Từ trong hỏa hoạn
“Giờ cứ nghe thấy cháy ở đâu là ám ảnh”, bà Phạm Thị Đủ, ngoài ngũ tuần trò chuyện với ông Đinh Văn Mãn, 62 tuổi và chị Ngọc ngoài 40 tuổi, bên chiếc bàn nhựa ở thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết. Họ là những người trong số hàng ngàn nạn nhân của vụ hỏa hoạn cách đây 30 năm ở Cồn Chà, phường Đức Thắng, đến Tiến Đức sinh sống theo tinh thần của Chỉ thị 10, ngày 8/4/1994 của UBND thị xã Phan Thiết về di chuyển nhân dân, giải tỏa mặt bằng xây dựng công trình Cảng Phan Thiết.
Vụ hỏa hoạn xảy ra lúc 20 giờ ngày 31/12/1992 mà Báo Bình Thuận số ra ngày 5/1/1993 ghi lại: “Ngọn lửa bắt đầu bùng lên ở khu nhà lá ven biển, gặp gió to đã nhanh chóng trùm kín cả một vùng rộng 52.000 m2, thiêu hủy hoàn toàn gần 300 ngôi nhà, làm 5 người chết và 6 người bị thương nặng, khoảng 2.000 người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất...”.
Bà Đủ khi đó ngoài 20 tuổi cùng các con chuẩn bị đi ngủ, ông Kiều Ngọc Thành, chồng bà đang bàn chuyện ra khơi đánh bắt với cha mình cách nhà không xa. “May mắn hôm đó ông ấy không đi biển, nghe cháy chạy về nhà đập cửa. Tôi mở cửa ra thấy lửa cháy thì hoảng hồn, bắt đầu bồng các con lội ra phía biển bỏ con vào thúng chai để bơi ra ghe của ông nội tụi nhỏ. Nghĩ lại ám ảnh, nhất là lúc ngọn lửa lan sang nhà ông Thu bán xăng, dầu lẻ”, bà Đủ hồi tưởng giây phút thoát khỏi hỏa hoạn như thước phim quay chậm.
Ông Mãn, còn gọi là Tư Mãn - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn, có dáng người nhỏ, hoạt bát, vui vẻ cũng lục tìm trong trí nhớ nói xen vào: “Mọi vốn liếng đổ vào cửa hàng tạp hóa đều tan thành mây khói. Khi đó, thấy bà con la lối om sòm, tôi bế thằng lớn, còn vợ bồng thằng nhỏ lo chạy. Xe cứu hỏa không vào được vì đường nhỏ hẹp, phải mất 2 tiếng sau ngọn lửa mới được dập tắt”.
Trong ký ức của họ, ngay cả những cụ ông, cụ bà hiện đang sống ở khu phố 5, khu phố 7, gần Cảng cá phường Đức Thắng, cách Tiến Đức theo đường vòng khoảng 5 - 6 km, còn nhớ một cụ bà mắt yếu gây ra vụ hỏa hoạn. Ngọn lửa đã thiêu bà ngay sau khi bà làm đổ cây đèn dầu, lửa bùng lên gặp gió to cháy lan sang nhà khác. “Hồi đó khu vực này toàn nhà lá. Khi cháy ông già mình chỉ kịp ôm chiếc chiếu chạy ra. Ông ấy mất cách đây 10 năm vì bệnh, những nạn nhân trong vụ hỏa hoạn về Mũi Tàu sống hết rồi, cô xuống đó hỏi, người ta nói cho nghe”, ông Phạm Chín, 59 tuổi, khu phố 7 chỉ tay về phía cảng cá, nơi những cột nhà cháy đen năm xưa, nay đã phủ lên lớp bê tông kiên cố xóa nhòa dấu tích kể lại và chỉ dẫn tôi đến với nhân chứng.
Về Mũi Tàu
Mũi Tàu là tên gọi quen thuộc của người dân Phan Thiết thay cho Tiến Đức, vì nó bắt nguồn từ một cầu gỗ nhô ra biển, được xây dựng từ thời chống Pháp để vận chuyển hàng hóa, hải sản theo đường biển lên đất liền. Cầu gỗ ấy đã nằm dưới đáy biển, giờ trở thành câu chuyện cổ tích của thế hệ 4.0 mỗi khi nghe ông bà kể. “Năm 1994, sau 2 năm kể từ ngày hỏa hoạn, 210 hộ, trong đó có gia đình tôi chuyển về Mũi Tàu, nơi đây như là rừng rú vẫn còn dấu tích cầu gỗ, có khoảng 13 hộ sinh sống. Không có điện, đường, trường học thuận tiện đi lại, sinh sống như bây giờ. Sau này khu vực Mũi Tàu được đặt tên là thôn Tiến Đức. Tiến Đức được ghép lại bởi 2 chữ đầu của xã Tiến Thành và phường Đức Thắng, có nghĩa liên quan đến nguồn gốc chúng tôi về đây lập nghiệp”, ông Tư Mãn diễn giải.
Gia đình bà Đủ cũng có tên trong 210 hộ, chuyển về Tiến Đức sinh sống. Lần này họ dựng ngôi nhà mái tôn, vách cót ép trên lô đất số 15 thuộc dãy 2 phía ngoài khơi theo phiếu giao đất của UBND thị xã Phan Thiết phát. Ông Tư Mãn được cấp dãy 1, lô đất số 78, cứ như vậy theo thứ tự 210 hộ, sống quây quần bên nhau bám biển, sinh ra nhiều thế hệ, hộ khẩu thường trú Tiến Đức.
Tuy vậy, cái nghèo đói vẫn đeo bám, những biến cố cuộc đời vây quanh. “Ông ấy bỏ tôi đi theo người khác sau khi tái định cư về đây gần 10 năm, một mình tôi làm đủ việc để nuôi con. Những khi triều cường dâng cao, tôi nơm nớp lo sợ sóng cuốn trôi nhà”, bà Đủ rơm rớm nước mắt nhớ lại một thời sống gian khổ. Nhưng dù có cố chống chọi với cơn sóng dữ để giữ nơi che nắng, che mưa cho các con, người phụ nữ đơn thân này đành đứng nhìn nó tuột khỏi tay mình trong một cơn bão.
Cơn bão ấy nằm trong số những cơn bão mạnh cuối năm từ 2010 - 2018. Gió bấc thổi mạnh, kết hợp với triều cường dâng cao, làm sạt lở, sập nhiều nhà cửa không chỉ ở Mũi Tàu mà còn một số nơi khác trong chiều dài 57 km bờ biển của thành phố Phan Thiết.
Sau cơn bão, bà Đủ lại dẫn các con lên núi gần đó dựng lều ở tạm. Những gia đình khác cũng như bà hoặc đi ở nhờ nhà người thân. “Biển thường xâm thực vào ban đêm nên phải thức canh giữ nhà, tài sản. Làm ra bao nhiêu tiền đổ vào mua bao tải đựng cát, kè kiềng nhà chống xói lở”, ông Mãn nhớ lại cảnh “công dã tràng” của mình, khiêng từng bao cát đắp đầy sau nhà, nhưng chỉ được một ngày hôm trước, đêm hôm sau sóng biển đập tan tành thành mây khói.
Đến Tiến Bình
Tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tháng 4/2014, ông Đặng Đình Hiếu – Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết khi đó đã đề xuất di dời toàn bộ dân tại thôn Tiến Đức, để bảo vệ tài sản và tính mạng người dân trước tình hình xâm thực tại đây. Đến năm 2016, UBND TP. Phan Thiết thống kê, Mũi Tàu có 177 căn nhà bị xóa sổ.
Họ, những người trong số 210 hộ lại có trong danh sách di dời về thôn Tiến Bình cùng xã, nơi cách Mũi Tàu khoảng 10 km, tái định cư.
Về Tiến Bình sinh sống, nhưng ghe thuyền, thúng chai ở lại Tiến Đức. Tài sản một nơi, người một nẻo như 1 cảnh 2 quê, họ vẫn đi đi, về về. Gia đình ông Tư Mãn vẫn bán tạp hóa, cung cấp “nhu yếu phẩm” cho người dân ở Tiến Đức.
Cũng như nhiều làng chài ven biển khác, đàn ông ở Tiến Đức, Tiến Bình đi biển, phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái, đan lưới và chờ chồng, cha hoặc con trai sau những chuyến ra khơi trở về. Có những góa phụ và thanh thiếu niên tới tuổi lao động đi làm ở những công ty hải sản và phụ giúp việc nhà, rửa chén bát cho nhiều gia đình và nhà hàng, quán ăn bên ngoài thôn.
Cuộc sống khó khăn cùng với nhận thức chưa cao, có hộ bán đất tái định cư Tiến Bình trở về Tiến Đức thuê nhà ở. “Thúng chai của tôi ở Tiến Đức, trong khi nhà ở Tiến Bình cách xa cả chục km, đêm phải ra khơi sớm. Tôi thấy bất tiện, nên bán đất về Tiến Đức thuê nhà ở đi biển cho thuận tiện”, ông Cư chia sẻ những đêm mang theo đồ nghề đi biển từ Tiến Bình về Tiến Đức. Lãnh đạo thành phố Phan Thiết cũng đã biết vấn đề này và cho biết, đang tìm hướng giải quyết.
Trường hợp bán đất như ông Cư trở về Tiến Đức không phải là hiếm, nhưng nhiều người vẫn bám trụ ở Tiến Bình. Bởi họ muốn “an cư lạc nghiệp” - mục tiêu sống của đời người ai cũng hướng tới. “Về Tiến Bình ở thấy sướng, nghĩ lại thời còn ở Tiến Đức biển lở mà ám ảnh”, chị Dung, một góa phụ, bán tạp hóa ở thôn Tiến Bình và làm nghề cắt móng tay dạo, không ngớt lời bày tỏ hài lòng với nơi ở mới. Chị thuộc diện đảm đang, một mình thay chồng chăm lo con cái học hành nên người, cậu con trai đầu lòng sống và làm việc ở TP.HCM, con trai thứ 2 đang học nghề sắp ra trường. 4 người con của bà Đủ đã có gia đình đàng hoàng, hiếu thảo với cha mẹ...
Đó là kết quả của sự dưỡng dục con cái của họ. Nhiều người trẻ ở đây hiện được học hành đến nơi đến chốn, không theo cha đi biển mà tự đi tìm nghề bờ. Chỉ những đứa bỏ dở việc học giữa chừng mới bám biển. Đối với chúng, đất đai nhà cửa, di dời nơi này nơi kia là chuyện của người lớn, nhưng cũng phần nào hiểu nỗi lo của cha mẹ.
Ngoài những người đã bán đất, ước mong có cuộc sống ổn định thì những người không bán đất, giữ lại cho con cháu, mong có sổ đỏ đứng tên mình. “Bà con sống ở đây chưa bao giờ biết sổ đỏ. Đất Nhà nước cấp ở Tiến Đức vào năm 1994 là miếng giấy giao đất, không có tiền làm sổ, giờ về Tiến Bình cũng vậy. Họ đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chỉ mong có nơi ở ổn định, thuận tiện bám biển duy trì nghề nghiệp của cha ông”, ông Mãn nói.