Theo dõi trên

Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống

16/01/2022, 16:28

BX- Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc anh em sinh sống, với nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cư dân có nhiều thời gian rảnh rỗi ngoài thời vụ chính.

Vốn cần cù chịu khó và có đôi bàn tay tài hoa, ngay từ xa xưa con người Bình Thuận đã biết tận dụng những nguyên liệu sẵn có để tạo ra nhiều sản phẩm thủ công có giá trị sử dụng cao, mang đậm tính nghệ thuật phục vục cho đời sống hàng ngày. Trong khi nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về sản phẩm thủ công ngày càng cao, yêu cầu các sản phẩm đó giá cả phù hợp, bền, đẹp lại không gây tác dụng phụ cho con người, thân thiện với môi trường. Vì vậy, đã có rất nhiều người chuyển sang làm nghề thủ công, họ truyền nghề cho nhau dần dần hình thành các làng nghề.

bao-ton.jpg
Làng nghề gốm gọ Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Ảnh: Đ.Hòa

Làng nghề thúc đẩy phát triển du lịch

Làng nghề chính là một nét đặc trưng của nông thôn khắp mọi địa phương trong tỉnh đâu đâu cũng có làng nghề thủ công, mỗi làng nghề lại sản xuất một mặt hàng thủ công truyền thống khác nhau, mang tính đơn nhất. Có thể kể ra đây những làng nghề nổi tiếng của tỉnh như: Sản xuất gạch ngói, bánh tráng, dệt thổ cẩm, gốm, chế biến hải sản, nước mắm, mây, tre đan, chế biến gỗ và lâm sản... Các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Không những thế, làng nghề còn góp phần mang giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ nên rất cần được lưu giữ và phát triển. Toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động với hơn 50.300 lao động. Du lịch và làng nghề có mối quan hệ qua lại tác động lẫn nhau. Du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội làng nghề truyền thống theo hướng tích cực bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Ngược lại, đối với hoạt động du lịch làng nghề truyền thống cũng có tác động tích cực. Làng nghề truyền thống là một loại tài nguyên du lịch nhân văn có khả năng thu hút khách du lịch, làm phong phú thêm tài nguyên du lịch góp phần vào mục tiêu phát triển chung. Cụ thể là các làng nghề truyền thống thường ở vùng nông thôn, mỗi làng nghề là một môi trường văn hóa kinh tế - xã hội và công nghệ truyền thống lâu đời. Bên trong làng nghề chứa đựng những nét văn hóa thuần Việt, những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc khiến cho du khách ghé thăm đều có cảm giác yên lành thư thái. Có thể nói rằng, du lịch làng nghề truyền thống sẽ là địa chỉ lý tưởng để du khách tham quan tìm hiểu các giá trị văn hóa, các phong tục tập quán lễ hội… Ngoài ra, làng nghề còn là nơi sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc biệt, có giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật cao, đặc trưng cho cả một dân tộc, địa phương… Làng nghề truyền thống còn là tài nguyên du lịch nhân văn góp phần thu hút số lượng lớn khách du lịch, làm cho hoạt động du lịch thêm phong phú đa dạng, nhiều lựa chọn hấp dẫn cho du khách. Hiện nay, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có 3 làng nghề, đó là làng nghề gốm gọ Bình Đức, xã Phan Hiệp, làng nghề dệt thổ cẩm xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình và làng nghề dệt thổ cẩm xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc. Tuy nhiên, hiện chỉ còn làng nghề gốm gọ Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đang hoạt động, 2 làng nghề dệt thổ cẩm xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình và làng nghề dệt thổ cẩm xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc đã ngưng hoạt động do không đạt tiêu chí theo quy định. Theo đó, làng nghề dệt thổ cẩm xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình đã giải thể năm 2012 sau khi sắp xếp lại không đạt tiêu chí và làng nghề dệt thổ cẩm xã La Dạ, huyện Hàm Thuận đã bãi bỏ danh hiệu làng nghề. Tuy việc phát triển làng nghề truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh để khôi phục, phát triển, nhưng vẫn còn nhiều bất cập như máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra kém hấp dẫn, mẫu mã lỗi thời, giá thành cao do làm thủ công, sức cạnh tranh yếu, không tìm được thị trường tiêu thụ, từ đó người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống nên không tham gia làm nghề vì thu nhập thấp dẫn đến một số làng nghề phải giải thể hoặc xin chuyển đổi công năng.

bao-ton-1-.jpg
Nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Đ.Hòa

Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống

Từ những thực trạng nêu trên, việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cần tiếp tục được quan tâm đầu tư nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trong tỉnh. Theo đó, ngoài chú trọng công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống cần phải phát triển làng nghề mới. Đặc biệt là phát triển làng nghề gắn với các điểm du lịch nhằm giúp các làng nghề khôi phục nghề cổ truyền, phát triển các hoạt động văn hóa dân gian, xây dựng môi trường du lịch văn hóa nhằm quảng bá du lịch sản phẩm làng nghề. Cần rà soát thực hiện việc quy hoạch xây dựng các làng nghề, kết hợp du lịch theo chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề đã được phê duyệt, trong đó cần chú trọng đến công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới. Cùng với đó, kịp thời triển khai các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn được tiếp cận các chính sách. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, từng bước đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học phù hợp. Chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn gắn kết với các vùng nguyên liệu để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Các chương trình văn nghệ “Mừng Đảng – Mừng Xuân” lần đầu tiên được tổ chức ghi hình phát sóng
Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTTDL) đã chính thức ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng – mừng Xuân khác biệt so với mọi năm.. Theo đó, đây sẽ là năm mà hoạt động văn hóa nghệ thuật được ghi hình và phát sóng phục vụ cho người dân theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống