Hội tụ nhiều yếu tố
Bình Thuận có 192 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành và khí hậu ấm áp. Năm 1995, du lịch Bình Thuận bắt đầu tạo dấu ấn với du khách bằng sự kiện nhật thực toàn phần, thu hút hằng trăm ngàn du khách quốc tế và nội địa cũng như các nhà khoa học, doanh nhân đến chiêm ngưỡng, khám phá vùng đất còn nhiều nét hoang sơ này. Kể từ đó, cái tên Bình Thuận – mảnh đất cuối dãi miền Trung, giáp ranh với Đông Nam bộ có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Hiện nay, Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam. Mũi Né trở thành 1 trong 6 Khu du lịch quốc gia của cả nước. Du lịch biển đã trở thành thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới. Đặc biệt, thương hiệu du lịch Bình Thuận ngày càng được khẳng định sau khi tổ chức thành công các sự kiện lớn mang tầm quốc tế như: Giải lướt ván buồm Cúp thế giới PWA, Festival thuyền buồm quốc tế và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Việt Nam… Song song đó, Bình Thuận có có hơn 70 di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, nhiều di tích, lễ hội, làng nghề… đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn khẳng định thế mạnh đặc thù của du lịch Bình Thuận so với nhiều địa phương khác.
Cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch của tỉnh cũng đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú du lịch với trên 17.500 phòng. 400 cơ sở ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… Du lịch phát triển đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 22.300 lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch.
Để du lịch phát triển, Bình Thuận đã không ngừng đầu tư về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Tỉnh đã xây dựng và hình thành tuyến đường ven biển trải dài từ thị xã La Gi đến huyện Tuy Phong. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư, phát triển du lịch. Ngoài ra, tỉnh từng bước hoàn thiện dần về cơ chế chính sách, thông thoáng trong đầu tư, thu hút các dự án du lịch mới có tiềm năng như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại.
Tháng 10 năm 2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bình Thuận đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh. Đồng thời quyết tâm xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hội tụ tất cả những yếu tố trên, tháng 2/2022, Bình Thuận đã đề xuất Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023. Việc làm này, đã thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh nhà trong việc đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Sẽ là cơ hội “vàng” để bứt phá
Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Bình Thuận có quyết tâm cao để đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023. Do đó, Bộ đồng ý để Bình Thuận đăng cai tổ chức. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, tiếp tục phát huy điểm mạnh, khắc phục khó khăn, thu hút đầu tư để có hạ tầng du lịch đồng bộ.
Bộ trưởng cho rằng, phải xác định được thế mạnh và thương hiệu của du lịch Bình Thuận. Đồng thời, có sự tham gia vào cuộc của các cấp, ngành; sẵn sàng đầu tư, khai thác các thế mạnh sâu hơn. Bộ trưởng cũng đã nhấn mạnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng hành với Bình Thuận để vượt qua khó khăn, chuẩn bị tốt các nội dung, hoạt động, tổ chức các sự kiện xứng tầm quốc gia. Các sự kiện đó phải góp phần quảng bá hình ảnh Bình Thuận nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung; có tính kết nối liên vùng như với các tỉnh duyên hải miền Trung, TP.HCM và các tỉnh thành khác trên cả nước… chứ không phải là sự kiện đơn lẻ của tỉnh
Theo đó, theo đề xuất của tỉnh Bình Thuận, Năm Du lịch quốc gia 2023 sẽ có chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh", với 25 sự kiện chính do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh tổ chức; các sự kiện do các địa phương hưởng ứng.
Có thể nói, qua nhiều lần tổ chức, thông qua Năm Du lịch quốc gia, diện mạo của các địa phương đăng cai tổ chức đã thay đổi tích cực, sản phẩm du lịch cũng vì thể được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Năm Du lịch quốc gia cũng góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng lượng khách tới các địa phương. Mặt khác, việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia cũng góp phần nâng cao vai trò của du lịch trong lan tỏa phát triển kinh tế xã hội địa phương, thu hút đầu tư quảng bá du lịch, nâng cao nhận thức, tăng cường liên kết, thu hút sự vào cuộc cả các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tư nhân.
Bình Thuận được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia năm 2023 vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận trước du lịch cả nước. Đây cũng là cơ hội để khẳng định vị thế, hình ảnh du lịch Bình Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Đón đầu cơ hội “vàng” lần này, Bình Thuận sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch, chính sách, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh quy hoạch, định hình lại không gian phát triển du lịch ở một số khu vực ven biển và các khu vực tiềm năng để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… cao cấp. Đồng thời, tỉnh quy hoạch một số khu vực phù hợp để xây dựng công viên, quảng trường, bãi tắm, phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch.
Ngoài ra, Bình Thuận sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh; Cảng hàng không Phan Thiết; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28B; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc. Mặt khác, tỉnh sẽ đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ yêu cầu chuyển đổi số và dịch vụ du lịch thông minh, mời gọi đầu tư các Trung tâm thương mại lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách.