Theo dõi trên

Bình Thuận, ngày xưa đất cọp

16/01/2022, 09:36

BX - “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, nhiều người nói vậy, kỳ thực Bình Thuận chính là đất cọp.

ho-2.jpg

Bình Thuận nằm ở cuối Trung, đầu Nam bộ. Rừng và đất rừng chiếm phần lớn. Có các kiểu rừng thường xanh, rừng rụng lá xen trảng tranh… Cọp là loài thú chuộng sinh cảnh như thế. Có khá nhiều câu chuyện về cọp trong dân gian và trong sách vở, đặc biệt là địa phương chí của nhiều địa phương sau này.

Cọp dữ Phan Sơn

Phan Sơn là xã miền núi huyện Bắc Bình, tiếp giáp Nam Tây nguyên. Sách Phan Sơn truyền thống kháng chiến 1945 - 1975(1) do cấp ủy xã Phan Sơn xuất bản năm 1999, tại trang 9, viết: “Trong rừng có nhiều loại chim thú quý: Cọp, báo, gấu, voi, hươu nai, khỉ…”.

Anh K’ Bé, cựu Bí thư Đảng ủy xã Phan Sơn, cho hay: “Đồng bào Rắc Lây và K’ho xã Phan Sơn trước đây sống trong các buôn. Nhà nào cũng có hàng rào tre lồ ô vát nhọn, vậy mà cọp mò vô được bắt heo. Có 2 người bị cọp vồ, may mắn thoát được, đó là ông Mang Pha. Năm 1977, một lần Mang Pha gặp cọp to bên bờ suối. Nó thấy ông từ trước nên nhảy tới vồ. Cái vồ nhanh và mạnh lắm, chỉ thấy khối thịt lao về phía mình. Mang Pha khi ấy là xã đội phó nên có súng bên người. Với rất nhiều kinh nghiệm, Mang Pha ngã người, nâng nòng súng lên và bóp cò. Con vật ngã ra đất, cách Mang Pha chỉ vài bước chân. Người thứ hai là K’ Taan. Một đêm đầu mùa mưa năm 1982. K’ Taan, khi ấy là chủ tịch xã, muốn kiếm ít thịt tươi đãi khách nên cầm súng Ak ra khỏi nhà. Sau gần 1 giờ đội đèn đi dọc con suối lớn, K’ Taan nghe mùi khét khét rồi đôi mắt đỏ quạch bắt ánh đèn pin trên đầu ông. Thói thường, người đi săn đều hướng mũi súng về phía trước, tay cầm chắc bá súng đề phòng bất trắc. Khi 2 con mắt đỏ lừ mỗi lúc một gần, K’ Taan càng hướng mũi súng xuống ngang thắt lưng, đề phòng. Đúng vào lúc đó, một con vật lông màu vàng vằn vện phóng thẳng về phía K’ Taan. Ngả người bóp cò, khẩu súng trong tay K’ Taan giật nhẹ. Một tiếng “bịch” nặng nề, khô khan vang lên. Con cọp dài 2 thước bị đạn ngay đầu nằm chết, một chân của nó cách chân K’ Taan nửa thước. Nhiều năm K’ Taan không còn đi săn nữa. Mỗi lần nhớ lại, ông đều cho rằng đêm đó là đêm may mắn!            

“Chiến khu cọp” và rừng ven sông Dinh

Cố Thiếu tướng Phạm Hoài Chương, trong trang hồi ký về Thái An thuộc chiến khu Lê (Bắc Bình) gọi Thái An là “chiến khu cọp”(2). Thời chống Pháp, cọp xông vào bệnh xá, vồ Trưởng đoàn văn công Tiểu đoàn 89, mang đi. Cọp cũng là kẻ thù của lính Pháp. Mỗi trận đánh ở Thái An, Pháp chưa kịp lấy xác cọp liền tha đi.

Ở Hàm Tân, bên phải cầu Láng Gòn (xã Tân Xuân) (năm 1953), bốn bề là rừng. Dân La Gi tản cư lên vùng này, lập nên xóm Đoàn Kết(3). Nhà dân đều có rào cao. Một tối nọ, cô Hường (15 tuổi), con gái anh Hai Chọn, mở cổng rào ra liền bị cọp vồ. Cả xóm mang đuốc đuổi theo. Tới bìa rừng, họ phát hiện con hổ lớn, chân đạp xác Hường, nhìn về phía đoàn người, gầm gừ. Hàng chục ngọn đuốc phóng về phía cọp, buộc nó bỏ xác phóng đi.

Cựu Bí thư Huyện ủy Hàm Tân (2005 - 2010) Nguyễn Công Sanh cho hay: “Bên kia sông Dinh, năm 1965 - 1970, cọp về thường xuyên. Khoảng 8 - 9 giờ sáng còn nghe tiếng cọp gầm. Có năm cọp còn về cách cầu Láng Gòn hiện nay vài chục mét”.

Tây Bình Thuận và Rừng Lá

Anh Lê Thúc Tôn, nhiều năm là giáo viên vùng cao Tánh Linh; cựu Chủ tịch xã La Ngâu năm 1984, cho biết: “Sau năm 1975, La Ngâu còn cọp. Đồng bào K’ho ở buôn Tà Bạch, Tà Mỹ thuộc xã, có thói quen vứt xác heo chết dịch ra suối, cọp ăn thành quen, sau này cọp mò vô trong buôn bắt heo, dê”.

Tánh Linh, còn có sự kiện ông Cao Tiến Hộ, bắn cọp tại dốc dài thuộc xã Đức Bình 1984. Dốc dài khi đó là đường đất mới. Hai bên là đồi cao. Cọp phục ở chân dốc, vồ một em bé, để lại cái đầu. Dân chúng càng hoang mang vì sau đó cọp mò qua xã Đức Thuận gần đó bắt trâu, bò. UBND huyện Tánh Linh treo thưởng 1.500.000 đồng cho người diệt cọp. Cao Tiến Hộ khi ấy là Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin quyết tâm săn cọp.

Ông điều nghiên nơi cọp có thể mò ra. Và rồi, ông bắn hạ được con cọp cái dài đến 2,4 m, nặng 240 kg. Xã Suối Kiết thuộc Tánh Linh, cũng là nơi nhiều cọp... Trước năm 1975, Suối Kiết là vùng rừng nguyên sinh, trong đó có khu Rừng Lá. Người dân sống bằng nghề khai thác cây gỗ, lá buông, các loại lâm sản phụ khác trong Rừng Lá. Tại trang 80 cuốn Lịch sử truyền thống xã Suối Kiết 1945 - 2010(4), cho hay: “Giai đoạn 1975 - 1980, người dân ra khỏi nhà là gặp thú rừng, còn cọp thỉnh thoảng quanh quẩn sau nhà dân...”.

Nằm trong sách đỏ

Cọp ở Bình Thuận thuộc loài cọp Đông Dương, vóc nhỏ hơn cọp Bengal (Ấn Độ) và cọp Seberi. Khi sinh cảnh còn thích hợp cho loài cọp và nạn săn bắt còn mức độ, cọp tồn tại với lượng đáng kể. Nay, cọp đang có nguy cơ tuyệt diệt khi nạn mua bán cọp, các bộ phận cọp lén lút diễn ra. Việt Nam đã đưa cọp Đông Dương vào sách đỏ cần nghiêm cấm săn bắn. Mùa xuân nói chuyện về cọp, con vật có sức mạnh kinh người là mong sang năm cọp, Bình Thuận với tiềm lực nông - lâm - thủy sản sẽ vượt lên, trở thành một tỉnh mạnh giàu.

(1): Chi bộ xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, xuất bản năm 1999.

(2), (3): Phạm Hoài Chương và Trương Công Lý, trang 53, 187, sách Văn học Kháng chiến Bình Thuận, do Hội Văn nghệ Bình Thuận xuất bản. Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ in tháng 5/2020.

(4): Sách do Đảng bộ xã Suối Kiết xuất bản, năm 2010, bản PDF.

HÀ THANH TÚ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Con hổ trong dân gian Việt Nam
BX- Con hổ đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa dân gian Việt. Những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2.500 - 3.000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã có hình con hổ, điều này cho thấy con hổ đã gắn bó hàng ngàn năm nay trong cuộc sống người dân Việt Nam với sự trân trọng và sau này được người dân thờ cúng trong các miếu, đền.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận, ngày xưa đất cọp