Theo dõi trên

Con hổ trong dân gian Việt Nam

14/01/2022, 16:36

BX- Con hổ đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa dân gian Việt. Những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2.500 - 3.000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã có hình con hổ, điều này cho thấy con hổ đã gắn bó hàng ngàn năm nay trong cuộc sống người dân Việt Nam với sự trân trọng và sau này được người dân thờ cúng trong các miếu, đền.

Hổ có nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tên gọi có ý nghĩa nhất định về mặt văn hóa, tâm linh. Trong chữ Hán, chữ hổ bao gồm bộ khẩu đứng trước chữ hổ có nghĩa dọa, hù, làm cho sợ. Nhắc đến hổ người ta dễ tưởng tượng ra loài thú dữ ăn thịt sống lớn thứ 3, chỉ sau gấu trắng, gấu nâu. Con người, muông thú chỉ cần nghe thấy tiếng gầm của hổ đã hồn bay phách lạc, nháo nhác tìm nơi trú ẩn. Bên cạnh cách gọi phổ biến đó, hổ còn có rất nhiều danh xưng như: Ông Hổ, ông Ba mươi, ông Cọp, ông Hùm, ông Hạm…

ho.jpg
Ngũ hổ, tín ngưỡng thờ Mẫu trong tranh Hàng Trống.

Hình tượng con hổ đi vào đời sống dân gian, lưu dấu ấn qua phương thức truyền miệng. Theo thống kê sơ bộ, người Việt có khoảng 1.300 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca có liên quan đến loài hổ như: Hổ dữ không ăn thịt con, rừng nào cọp nấy, miệng hùm gan sứa, hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn, nam thực như hổ, mãnh hổ nan địch quần hồ, dữ như cọp, vuốt râu hùm, cưỡi lên lưng cọp, hổ chết để da, người chết để tiếng… Bên cạnh những câu chuyện cổ tích xuất hiện từ lâu như: Trí khôn của ta đây, Cóc kiện trời, Thỏ rừng và hùm xám, Con hổ có lá gan chuột nhắt, Mèo vẫn hoàn mèo, thì hổ còn được nhắc đến trong các tác phẩm văn học thời cổ như: Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Lĩnh Nam Chích Quái, Mãnh hổ hành (bài hành về con hổ dữ) của nhà thơ Nguyễn Hành, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều có tục lệ thờ Thần Hổ như một biểu tượng của con vật dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương. Trên phương diện này, hổ đã hóa thành vật linh thiêng với những cái tên trong huyền thoại dân gian thường gọi: Thần Hổ, Sơn quan thần Hổ, Lý nhĩ tướng quân, thần hộ vệ Thành Hoàng, chúa Sơn Lâm, ông Ba Mươi trong khi đó ở miền Nam còn có tên ông Cả Cọp, Thần Bạch Hổ...

Về hội họa dân gian Việt Nam đã thần thánh hóa con hổ với trường phái tranh Hàng Trống (Hà Nội) chuyên vẽ tranh hổ (hoàng hổ, hắc hổ, bạch hổ, tứ hổ, ngũ hổ) để treo thờ với tư cách là những vị trấn giữ các phương trời đất. Bởi vậy, khi vẽ tranh hổ, người nghệ sĩ dân gian đã thể hiện đủ 5 con hổ với 5 tư thế và 5 màu sắc khác nhau. Tranh ngũ hổ trong dân gian còn gọi là tranh ông Năm Dinh. Đó là 5 vị thần tướng ngự trị 5 phương trời. Nếu như năm Dần người Việt Nam hay treo tranh tết Ngũ hổ hay Nhất hổ đây là bức tranh dân gian đẹp, hàm chứa các giá trị tâm linh, nghệ thuật dân gian theo quan niệm, triết lý nhân sinh quan về vũ trụ của người xưa. Trong ngày xuân, tâm trạng mọi người thanh thản ngồi bên sắc thắm cành mai - đào, uống chén rượu nồng và ngắm những bức tranh tết - tranh hổ làm con người thêm sảng khoái, giàu sức sống mà tranh tết chính là thông điệp chuyển lời cầu chúc tốt đẹp cho mình và chúc điều tốt lành cho mọi người, là nếp ứng xử giàu tính nhân văn của người Việt xưa.

ho-1.jpg

Chào năm Nhâm Dần 2022, hy vọng rằng sẽ mang đến cho mọi người một biểu tượng của sự hùng cường, thể hiện sức mạnh vô song và luôn gặp nhiều may mắn, thành đạt trong cuộc sống.

V. DƯƠNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
"Di sản văn hóa cần phải được gắn kết với cộng đồng"
Di sản văn hóa cần phải được gắn kết với cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và cơ sở sáng tạo những giá trị mới để giao lưu văn hóa.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con hổ trong dân gian Việt Nam