Do đó, các phương tiện vận tải hoạt động trên vùng biển tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là tàu thuyền nhỏ đánh bắt thủy, hải sản ven bờ, các lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển đều có nguy cơ chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Ngoài ra, khu vực ven biển gồm Tuy Phong, Bắc Bình, TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi, Hàm Tân và huyện đảo Phú Quý cần đề phòng nguy cơ sạt lở bờ biển và các công trình xây dựng ven biển do tác động của gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường.
Cùng ngày, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn, mưa dông và thời tiết xấu trên biển, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của gió mạnh, sóng lớn, mưa dông trên biển. Đồng thời thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Bảo đảm an toàn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển. Cùng với đó, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tham gia ứng phó cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng ngày 12-13/7, trên khu vực giữa Biển Đông có khả năng hình thành dải hội tụ nhiệt đới, trên dải hội tụ nhiệt đới này có khả năng hình thành các nhiễu động nhiệt đới gây thời tiết xấu. Do vậy, tình hình gió mạnh và sóng lớn trên biển còn kéo dài trong những ngày tới.