Bình Thuận không có ca ngộ độc
Quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Số vụ này làm 659 người bị ngộ độc, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 3 người tử vong, giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc. Đơn cử, hồi tháng 3/2024, vụ ngộ độc tại quán cơm gà ở Nha Trang (Khánh Hòa) làm 369 người bị đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, nôn, sốt… phải đến cơ sở y tế. Nguyên nhân là có vi khuẩn gây ngộ độc Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphyloccus aureus trong cơm, gà xé, xốt trứng, rau dưa chua, hành phi, súp canh.
Cùng thời gian trên, Bình Thuận chưa ghi nhận bất cứ số ca, số vụ ngộ độc thực phẩm nào. Đây là điểm nổi bật trong hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm của ngành y tế tỉnh. Trong khi đó, quý I/2023, Bình Thuận ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam) do ăn cháo bồ câu, với 33 người ăn, 29 người mắc và nhập viện, không có trường hợp tử vong. Kết quả kiểm nghiệm là do có tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Cụ thể, nấm có chứa hóa chất bảo vệ thực vật Carbofuran (loại thuốc trừ sâu) với hàm lượng 1,68 mg/kg, cháo bồ câu chứa hàm lượng Carbofuran 0,38 mg/kg. Đó là thông tin của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra ở các tỉnh, thành làm nhiều người mắc và nhập viện điều trị. Nguyên nhân chính do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển vi sinh vật, động thực vật chứa độc tố tự nhiên; ý thức chấp hành quy định pháp luật về điều kiện an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa cao; quá trình chế biến và bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng cách.
Nắng nóng thức ăn dễ ôi thiu
Được biết, đặc trưng thời tiết hiện nay nắng nóng, độ ẩm cao do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Dự báo xu thế nắng nóng, ít mưa sẽ kéo dài từ nay cho đến tháng 6.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Tòng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết: Mặc dù, Bình Thuận không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong quý I/2024, nhưng ngành y tế tỉnh không chủ quan, lơ là. Luôn quan tâm, tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, với thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, phát triển, ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ. Điều này dẫn đến thực phẩm mất an toàn vệ sinh. Thời tiết quá nóng dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Hoặc bảo quản thực phẩm, thức ăn chưa đúng, kể cả thức ăn đường phố bày bán để ở điều kiện nhiệt độ thông thường quá lâu. Điều này cũng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.
Để chủ động bảo quản an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Tòng yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Người dân lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, đặc biệt chú ý đối với các sản phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương. Tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động, thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ… chú trọng đến việc tuyên truyền an toàn thực phẩm cho đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum.