Theo dõi trên

Cẩn trọng diễn biến thiên tai những tháng cuối năm

04/09/2023, 10:40

Theo nhận định tình hình khí tượng thủy văn, trong những tháng cuối năm 2023, Bình Thuận cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời gian ngắn, lũ ngập lụt, bão mạnh, gió mạnh trên biển. Ngoài ra, do tác động của El Nino nên khả năng mùa mưa kết thúc sớm, thiếu hụt lượng mưa so với trung bình nhiều năm, có thể dẫn tới tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong những tháng mùa khô trên địa bàn tỉnh.

Xuất hiện nhiều loại hình thiên tai

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2023, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn Bình Thuận liên tiếp xảy ra mưa lớn, lốc xoáy. Một số hồ chứa như hồ Hàm Thuận, hồ Lòng Sông phải xả lũ để đảm bảo an toàn. Riêng tại huyện Tánh Linh, trong đêm 30/8 đã xảy ra mưa lớn, sét, lốc xoáy gây tốc mái nhà dân và hư hại một số tài sản, công trình khác, ước tổng giá trị trên 460 triệu đồng. Trong thời gian khắc phục thiệt hại do mưa lớn, lốc xoáy, trong ngày 2/9, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại khi Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi xả điều tiết nước qua tràn hồ Hàm Thuận vào ngày 3/9.

img_6308.jpg
Nhà dân bị ngập do mưa lớn tại Tánh Linh.

Ông Mai Trí Mân – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh cho biết, để đảm bảo an toàn về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp, vật nuôi ven sông La Ngà, địa phương đã kịp thời thông báo cho nhân dân biết về thời gian, lưu lượng xả điều tiết nước để chủ động các phương án sản xuất, di chuyển tài sản. Nhất là nhân dân ở khu vực ven sông, trũng thấp chằng néo lồng bè, gia cố bờ ao nuôi trồng thủy sản, nạo vét, vớt rều rác trong khu dân cư, các hệ thống thoát nước, kênh mương thủy lợi. Đồng thời, thu hoạch các diện tích sản xuất nông nghiệp dọc ven sông có nguy cơ ngập úng. Đặc biệt, địa phương nghiêm cấm nhân dân bơi qua sông làm nương rẫy, ở lại ngoài đồng, trên lồng bè thủy sản, đánh bắt cá trong thời gian xả nước qua tràn…

ke-hoa-phu.jpg
Sạt lở bờ biển.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, những năm gần đây tình hình thời tiết cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng diễn biến bất thường, cực đoan với nhiều hình thái thời tiết đan xen nhau, liên tục. Tình hình sạt lở bờ biển, đặc biệt các khu vực như Bình Thạnh, Phan Rí Cửa (Tuy Phong); phường Hàm Tiến, Đức Long, xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết); xã Tân Phước (thị xã La Gi); xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam). Đặc biệt sóng to, gió mạnh trên biển gây ra nhiều sự cố, tai nạn tàu thuyền trên biển, làm tăng số vụ tai nạn về người và tài sản của ngư dân. Chỉ tính trong 7 tháng của năm 2023, toàn tỉnh đã thiệt hại khoảng 136 tỷ đồng, 5 người chết, trong đó gần 15.000 ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Riêng trong 2 ngày đầu tháng 9/2023 đã có 2 thuyền viên bị rơi xuống biển mất tích, hiện chưa tìm thấy…

img_6307.jpg
Mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại Tánh Linh cuối tháng 8/2023.

Không được lơ là, mất tập trung

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai và chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Sau thiên tai, sự cố xảy ra, tỉnh huy động từ nhiều nguồn vốn để tái thiết, khắc phục hậu quả và xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

tri08440.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông (thứ 2 từ phải qua) kiểm tra sạt lở bờ biển tại Bình Thuận.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của UBND tỉnh, thực tế các địa phương chưa có kinh nghiệm chuyên sâu xử lý cho từng tình huống cụ thể, đôi khi còn lúng túng. Mặt khác, đội ngũ cán bộ các cấp còn kiêm nhiệm, thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm, nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai còn ít, chỉ đáp ứng một phần so với yêu cầu. Trong khi đó, tình hình thời tiết những tháng cuối năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường. Xu hướng bão di chuyển xuống phía Nam nhiều hơn, khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bình Thuận, các hình thái thời tiết bất thường đan xen. Vì vậy, từ nay đến cuối năm đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương cẩn trọng diễn biến thiên tai, rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch sơ tán dân, di dời ở tất cả các khu vực có nguy cơ do bão lũ đổ bộ, ven sông, ven suối, triều cường nước biển dâng, sạt lở do lũ quét...

Đặc biệt mới đây, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại Bình Thuận. Thứ trưởng đề nghị Bình Thuận nâng cao tinh thần cảnh giác, không được lơ là, mất tập trung. Song song, tập trung phổ biến kỹ năng, tập huấn nâng cao kiến thức về phòng chống thiên tai ở các cấp. Tăng cường đào tạo, đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ phòng chống thiên tai, nhất là nguyên tắc “4 tại chỗ” hiệu quả, kịp thời di dời tài sản, đảm bảo tính mạng con người…

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phòng chống thiên tai và TKCN năm 2023: Hạn chế thấp nhất gián đoạn thông tin liên lạc
Sở Thông tin và Truyền thông vừa ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) của ngành thông tin và truyền thông năm 2023.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cẩn trọng diễn biến thiên tai những tháng cuối năm