Thiệt hại do biển xâm thực
UBND TP. Phan Thiết cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, do ảnh hưởng của thời tiết xấu, gió thổi mạnh kết hợp triều cường dâng cao đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển tại khu vực ven biển. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong đó có vùng biển thuộc thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, làm hư hỏng kè biển chống xâm thực với chiều dài khoảng 15 m, ăn sâu vào bên trong bờ biển khoảng 40 m, làm hư hỏng đường dân sinh tại khu vực này.
Tại phường Mũi Né, khu vực bờ biển của Cơ sở du lịch Biển Cát, khu phố Lương Sơn, triều cường dâng cao gây sạt lở nghiêm trọng tại đoạn kè có chiều dài khoảng 50 m. Tại điểm tiếp giáp đoạn kè có chiều dài 50 m do thành phố quản lý, triều cường đã làm hư hỏng phần mái kè thuộc quản lý của Sở Giao thông Vận tải với chiều dài khoảng 30 m. Đặc biệt, tại khu vực bờ biển của dự án do Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư tại khu phố Long Sơn bị xâm thực nghiêm trọng gây sạt lở với chiều dài khoảng 250 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 7 m, chỉ cách đường Xuân Thủy (ĐT 716) 1 m. Nếu không có phương án khắc phục sớm trong thời gian tới, sạt lở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường ĐT 716 và có khả năng gây chia cắt giao thông tại khu vực này.
Theo ông Lê Văn Chơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, để khắc phục các sự cố đoạn kè do thành phố quản lý, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố đang khẩn trương khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, thành phố đề nghị Sở Giao thông Vận tải sớm triển khai khắc phục sửa chữa để tránh hư hỏng lan rộng toàn bộ tuyến kè do sở đầu tư, quản lý. Đối với đoạn sạt lở thuộc dự án do Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư, thành phố đã đề nghị công ty khẩn trương khắc phục tạm thời khu vực sạt lở thuộc dự án nhằm giảm thiểu thiệt hại trong quá trình chờ khắc phục của ngành chức năng.
Chủ động xử lý, đối phó kịp thời
Theo đánh giá của UBND TP. Phan Thiết, trong những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn của thành phố đã dần đi vào nề nếp, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó từng bước đạt hiệu quả, đã ngăn ngừa, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra trên địa bàn. Bên cạnh đó, vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử, hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị, hệ thống thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu, việc xảy ra ngập úng cục bộ cửa sông Phú Hài, sông Cà Ty bị bồi lấp, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, ảnh hưởng việc sắp xếp neo đậu tàu thuyền trong trường hợp xảy ra bão, lũ. Đối với các xã, phường như Tiến Thành, Hàm Tiến, Mũi Né vị trí neo đậu tàu thuyền chưa đảm bảo an toàn trong phòng, tránh trú bão. Bên cạnh, các hộ dân sinh sống dọc theo các tuyến đường nội thị có hành vi lấp các miệng hố ga, xả rác làm chặn dòng chảy của hệ thống thoát nước cũng làm hiện tượng ngập úng thường xuyên xảy ra. Một số chủ phương tiện tàu thuyền chưa có ý thức trong việc neo đậu, gây khó khăn về sắp xếp neo đậu tàu thuyền khi có thiên tai, sự cố…
Do đó, từ nay đến cuối năm 2023, UBND TP. Phan Thiết đề nghị các phường, xã tiếp tục kiểm tra, rà soát những vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở bờ biển để chủ động xử lý, đối phó kịp thời. Rà soát phương án, kế hoạch sơ tán, di dời dân cư ở vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai. Riêng các địa phương ven biển chủ động rà soát phương án sắp xếp, bố trí neo đậu tàu thuyền và lồng bè phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo an toàn, phòng tránh sự cố. Ngoài ra, các cơ sở du lịch đóng chân trên địa bàn đã được tỉnh chấp thuận đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, thi công chưa đảm bảo an toàn còn để xảy ra tình trạng cát tràn, gây ách tắc giao thông khi có mưa, địa phương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nghiêm nếu tiếp tục vi phạm trong mùa mưa bão.