Theo dõi trên

Cảnh báo từ điển

25/11/2022, 06:00

Từ điển là loại tài liệu thiết yếu, mang tính khoa học, giúp cho bất cứ ai trong quá trình học tập dùng tra cứu, để hiểu thấu đáo về ý nghĩa từ ngữ, mở rộng hiểu biết, củng cố kiến thức thêm vững vàng. Bởi từ điển là loại sách giải nghĩa từng tiếng một, tiếng kép hay lời nói quen dùng(1). Từ: chữ nghĩa(2); điển là sách được coi là mẫu mực, dùng làm tiêu chuẩn(3).

Khi tôi còn làm công tác chuyên môn của ngành giáo dục, đi kiểm tra thư viện các trường, thấy nhiều đơn vị đầu tư mua sắm từ điển các loại: Từ điển tiếng Việt; Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam; Từ điển từ láy tiếng Việt; Từ điển chính tả tiếng Việt; Từ điển thuật ngữ văn học; Từ điển giải thích ngôn ngữ học; Từ điển trái nghĩa tiếng Việt… Khi trao đổi với lãnh đạo nhà trường, tôi thường động viên, khích lệ việc mua từ điển cho thư viện trường học để thầy cô và học sinh tra cứu. Nhưng gần đây, đọc nhiều bài viết của những nhà nghiên cứu phê bình từ điển, mới thấy giật mình về những lỗi sai kiến thức cơ bản không thể chấp nhận được của nhiều cuốn từ điển đã tái bản nhiều lần phát hành rộng rãi trong cả nước.

tu-dien.jpg

Từ thực trạng đó, tôi liên hệ với tuancongthuphong.blogspot.com – Hoàng Tuấn Công, để xin trích dẫn một số tư liệu trong bài viết mà ông chỉ ra những sai sót trong cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang(4). Ông đồng ý để tôi sử dụng.

Tác giả Hoàng Tuấn Công nêu: “Trong phần “Hướng dẫn cách sử dụng từ điển”, GS.TS Nguyễn Văn Khang cho biết: “Từ điển chính tả tiếng Việt” này được biên soạn dựa trên cách xử lý chính tả trong “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học” (Hoàng Phê chủ biên). Tuy nhiên, thực tế cho thấy GS.TS Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lý chính tả” theo tài liệu đã nêu, mà “xử lý” theo cảm tính, hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu nào đó, dẫn đến rất nhiều sai sót” […] “bao gồm rất nhiều mặt, như: sai chính tả do lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi ( ̓) với dấu ngã (~); sai về thành ngữ tục ngữ, từ ngữ Hán Việt... Nhiều mục chỉ dẫn chính tả hoàn toàn ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành; chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất; hướng dẫn viết nhiều dạng chính tả không chuẩn”. Ông chỉ ra cả trăm lỗi, ở đây chỉ lược nêu lại một số sai sót thật ấu trĩ trong Từ điển chính tả tiếng Việt của Nguyễn Văn Khang như sau:

1- “chầy: chầy chật” → tác giả từ điển hướng dẫn: “không viết: trầy”. Đúng ra viết chuẩn là “trầy trật” (trầy da, trật xương). Hoàng Phê: “trầy trật. Vất vả, phải mất nhiều công sức và trải qua nhiều lần vấp váp, thất bại. Trầy trật mãi mới thi đỗ”. 2- “lền: lền trời” → tác giả từ điển hướng dẫn: “không viết: nền”. Vậy không rõ “lền trời” đây nghĩa là gì. Phải viết “nền trời” mới chuẩn. 3- “ròm: ống ròm” → hướng dẫn: “không viết: dòm”. Nhưng viết chuẩn là “dòm”, “nhòm” – “ống nhòm” hoặc “ống dòm”. 4- “rứt: rứt tình” → hướng dẫn: “không viết: dứt”. Nhưng phải viết “dứt tình” mới đúng. Vì “dứt” (Hán = đoạn 斷/tuyệt 絕); “dứt tình” = đoạn tình, tuyệt tình. Hoàng Phê: “dứt: Làm cho đứt sự liên hệ, lìa bỏ hẳn cái gắn bó về tình cảm, về tinh thần. Không thể dứt tình máu mủ. 5- “sập: sập sè” → hướng dẫn: “không viết: xè”. Viết đúng là “xập xè”, nhưng đây là dạng ít dùng, viết chuẩn là “xập xòe” 6- “si: nguyên si” → hướng dẫn: “không viết: xi”. Nhưng viết “xi” mới đúng. Vì “xi” [cire] gốc Pháp, có nghĩa như Hoàng Phê giảng: “xi d. Chất làm bằng cánh kiến pha lẫn tinh dầu, dùng để niêm phong bao, túi, gắn kín nút chai lọ, v.v. Xi gắn nút chai, đóng dấu xi”. “Nguyên xi”: còn nguyên như mới, như hoàn toàn chưa dùng đến. 7-“siêu: liêu siêu” → hướng dẫn: “không viết: xiêu”. Nhưng phải viết “xiêu” mới đúng – “liêu xiêu”. 8- “síu: tí síu” → hướng dẫn: “không viết: xíu”. Nhưng phải viết “xíu” mới đúng – “tí xíu”, vì “xíu” nghĩa là “nhỏ”. 9- “trọc: tròng trọc” → hướng dẫn: “không viết: chọc”. Viết chuẩn là “chòng chọc”. 10- “trừu: trừu mến” → hướng dẫn: “không viết: trìu”. Viết “trìu” mới đúng – “trìu mến”. 11- “trí: đắc trí” → hướng dẫn: “không viết: chí”. Viết “chí” mới đúng. Vì “chí” 志 ở đây là chí nguyện, chí hướng – “đắc chí”. 12- “siêu: siêu tán”. → hướng dẫn: “không viết: xiêu”. Nhưng viết “xiêu” mới đúng. Vì “xiêu” có nghĩa là trôi nổi, lưu lạc (như “hồn xiêu phách lạc, xiêu lạc, …). 13- “sử: sử kiện” → hướng dẫn: “không viết: xử”. Nhưng viết “xử” mới đúng – “xử kiện”. 14- “sử: sử tử” → hướng dẫn: “không viết: xử”. Nhưng viết “xử” 處 mới đúng. Vì “xử tử” 處死 nghĩa là xử tội chết, thi hành án tử hình. 15- “xa: xa trường” → hướng dẫn: “không viết: sa”. Nhưng viết “sa” mới đúng. Vì “sa trường” 沙場 là từ Việt gốc Hán, trong đó “sa” 沙 nghĩa gốc là “cát”, “bãi cát ven sông”. “sa trường” 沙場 = bãi cát bằng mà rộng, thường dùng để chỉ chiến trường. 16- “trưởng: trưởng bạ” → hướng dẫn: “không viết: chưởng”. Nhưng phải viết “chưởng” mới đúng. Vì “chưởng” 掌 nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” 掌簿 = người nắm giữ sổ sách giấy tờ.

Còn rất nhiều, nhưng chúng tôi nêu một số trường hợp để người đọc tìm hiểu thêm và cảnh báo với những người phụ trách thư viện trường học hết sức cẩn trọng và chọn lọc khi mua từ điển về cho thầy cô và học sinh tra cứu.

(1): Việt Nam tự điển – Lê Văn Đức – Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn (2): Đại Nam quốc ấm tự vị - Huình-Tịnh Paulus Của; (3): www.google.com/search; (4): Từ điển chính tả tiếng Việt (GS.TS Nguyễn Văn Khang - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018, 806 trang, khổ 10.5 x 18cm; đơn vị liên kết Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân – Nhà sách Minh Thắng).

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đẩy mạnh phong trào học tiếng Anh trong trường học
Phong trào học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong trường học được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh phát động sâu rộng đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ ở các trường học, tạo môi trường để cán bộ, giáo viên, học sinh phát huy hiệu quả năng lực dạy, học ngoại ngữ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo từ điển