Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động từ năm 2008 cho đến nay. Và lấy mốc thời gian từ ngày 10/11- 10/12 là Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Tháng hành động này đã trở thành sự kiện quan trọng hàng năm, huy động cả cộng đồng vào cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS.
Với suốt chặng đường ứng phó với HIV/AIDS, tình hình bệnh này đang từng bước kiểm soát. Việt Nam được ghi nhận là một trong vài quốc gia có chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV đứng hàng đầu thế giới thông qua việc kiểm soát được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện với tỷ lệ rất cao. Đồng thời, Việt Nam chuyển đổi thành công từ việc điều trị HIV chủ yếu bằng nguồn viện trợ sang nguồn bảo hiểm y tế, đảm bảo sự bền vững không chỉ cho chương trình mà cả bệnh nhân tham gia điều trị.
Tuy nhiên, tại các hội nghị, hội thảo, các chuyên gia nhận định rằng: Dịch bệnh AIDS tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đặc biệt, các dịch bệnh mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm cao ở các nhóm này.
Tại Bình Thuận, tính đến nay, lũy tích số nhiễm HIV của cả tỉnh được phát hiện là 6.705 người. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh phát hiện 29 trường hợp nhiễm HIV mới có địa chỉ tại Bình Thuận. Các trường hợp nhiễm mới chủ yếu lây qua đường tình dục chiếm tỷ lệ 78,58%, qua đường máu chiếm tỷ lệ 9,15%, không rõ đường lây chiếm tỷ lệ 12,27%. Còn trường hợp mẹ truyền sang con là 0,00%. Toàn tỉnh 9 cơ sở điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS với tổng số 835 bệnh nhân đang điều trị; duy trì tốt các hoạt động chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS. Tỷ lệ bệnh nhân HIV được điều trị ARV chung toàn tỉnh đạt 91%.
Bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022” huy động toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, gồm xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS. Điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi rút, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân.