3 tháng đầu năm 2023, các chỉ số hoạt động của ngành y tế tỉnh phần lớn đều đạt so kế hoạch đề ra và tăng so với cùng kỳ. Ngành có các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19, các dịch bệnh khác có nguy cơ bùng phát, các dịch bệnh mới. Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà… được chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống và xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Cúm A (H5N1), cúm A (H7N9), bạch hầu, ebola, zika, dịch tả, đậu mùa khỉ, dại, sởi, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác: chưa ghi nhận trường hợp mắc. Lĩnh vực an toàn thực phẩm, xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam) xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm làm 29 người nhập viện, không có tử vong. Nguyên nhân ngộ độc là mẫu nấm rơm và cháo bồ câu có chứa hóa chất bảo vệ thực vật Carbofuran.
Công tác khám chữa bệnh, điều trị nâng cao sự hài lòng của người bệnh; tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Số bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh đạt 139,5% so với kế hoạch, công suất giường bệnh đạt 100,7%. Tuy nhiên, ngành y tế tỉnh vẫn còn một số khó khăn như thiếu bác sĩ chuyên môn; điều kiện làm việc chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân; nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng xuống cấp…
Để đạt được các chỉ tiêu và nhiệm vụ trong quý II/2023, ngành y tế tỉnh tiếp các biện pháp phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm và tăng cường các hoạt động truyền thông phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số trong ngành y tế.