Môi trường còn ô nhiễm nặng
Thời gian qua, các hộ dân ở thôn Ung Chiếm, thôn Thắng Lợi, xã Hàm Thắng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do mùi hôi, khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động trong CCN chế biến hải sản Phú Hài gây ra. Khu vực ảnh hưởng bởi mùi nhiều nhất là khu vực phía Bắc TP. Phan Thiết và khu vực giáp ranh thuộc xã Hàm Thắng (thôn Ung Chiếm, thôn Thắng Lợi). Theo UBND TP. Phan Thiết, CCN chế biến hải sản Phú Hài có đặc thù hoạt động các ngành nghề chế biến hải sản có mùi. Do đó, ảnh hưởng về mùi đối với khu vực xung quanh là không thể tránh khỏi. Đối với khu vực gần CCN, mùi phát sinh ra môi trường xung quanh là tổng hợp từ các hoạt động của các cơ sở nước mắm, bột cá, cơ sở hấp cá hoạt động trong cụm và một số cơ sở hấp cá cơm hoạt động bên ngoài cụm (2 cơ sở thuộc phường Phú Hài, 3 cơ sở thuộc xã Hàm Thắng). Đối với khu vực xa CCN theo hướng gió như tại khu vực UBND xã Hàm Thắng, giáp ranh thị trấn Phú Long thì mùi là từ 3 nhà máy bột cá phát tán qua ống khói.
Vừa qua, sau khi kiểm tra thực tế vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định môi trường vẫn còn ô nhiễm nặng. Đặc biệt là mùi hôi phát sinh từ quá trình sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh, từ hệ thống thu gom, xử lý nước thải; nước thải của cơ sở sản xuất kinh doanh để chảy tràn ra đường, không được xử lý triệt để, hệ thống thu gom nước thải, nước mưa và nhà máy xử lý nước thải tập trung tại CCN bị xuống cấp, hư hỏng, tắc nghẽn dẫn đến nước thải không được thu gom triệt để về nhà máy xử lý nước thải tập trung để xử lý... Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng nêu trên thuộc về đơn vị quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN, cụ thể là Trung tâm Phát triển CCN TP. Phan Thiết; UBND TP. Phan Thiết và UBND huyện Hàm Thuận Bắc.
Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại CCN chế biến hải sản Phú Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Phan Thiết rà soát, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của tất cả các doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động trong CCN theo thẩm quyền để yêu cầu thực hiện theo quy định. Đặc biệt lưu ý về hệ thống thu gom, đấu nối, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn phát sinh từ quá trình sản xuất, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm (kể cả đình chỉ hoạt động) theo quy định.
Đồng thời, kiểm tra việc thu, quản lý, sử dụng phí xử lý nước thải của các cơ sở thứ cấp trong CCN đã nộp; việc thu gom nước thải của các cơ sở thứ cấp về hệ thống xử lý nước thải để xử lý; việc vận hành hệ thống xử lý nước thải của đơn vị quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN; tình trạng hư hỏng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải, hệ thống xử lý nước thải của CCN nhưng chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Qua đó, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đơn vị quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN để xảy ra tình trạng tắc nghẽn gây mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường.
Đối với UBND huyện Hàm Thuận Bắc khẩn trương củng cố hồ sơ, thực hiện các thủ tục để tổ chức cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính (hành vi sử dụng đất sai mục đích) đối với các cơ sở chế biến nước mắm, cá cơm,... nằm ngoài CCN theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, khẩn trương tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy tại mương thoát nước khu vực giáp ranh giữa huyện Hàm Thuận Bắc và CCN chế biến hải sản Phú Hài theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp rà soát các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với ngành nghề sản xuất nước mắm, bột cá và các ngành nghề đang hoạt động trong CCN. Từ đó, yêu cầu các cơ sở đang hoạt động nâng cấp, bổ sung các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo quá trình hoạt động không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mùi hôi phát sinh từ quá trình sơ chế, chế biến hải sản...